Cạm bẫy trên không gian mạng: An toàn trên thế giới ảo
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 64 triệu người sử dụng Internet, 58 triệu tài khoản Facebook nên để đảm bảo cho ngần ấy người “bước” vào không gian mạng an toàn, tránh được những rủi ro luôn rình rập trong thế giới ẩn danh là việc không dễ.
Làm gì để không bị dẫn dắt bởi những tin vịt, tin xấu, tin độc trên Internet? Làm gì để không mua phải hàng nhái, hàng giả khi mua bán online; không uống phải thuốc chữa bệnh rởm, ăn phải thực phẩm không an toàn khi giao dịch trên Internet?
Làm gì để không bị dẫn dụ bởi những chiêu lừa tình, lừa tiền qua chát; không bị lừa mua bán tiền ảo rởm; không bị dụ vào cái thòng lọng kinh doanh đa cấp? Làm gì để không bị hút vào những trò game bài đầy tính chất ăn thua; những đường dây đánh bạc; những trò đỏ đen sáng chơi, tối sạch cửa nhà?
Hiện nay, Việt Nam đang có khoảng 64 triệu người sử dụng Internet, 58 triệu tài khoản Facebook nên để đảm bảo cho ngần ấy người “bước” vào không gian mạng an toàn, tránh được những rủi ro luôn rình rập trong thế giới ẩn danh là việc không dễ.
Trang bị bộ lọc tốt cho mình
Tham gia vào không gian mạng, người dùng nhận được vô cùng nhiều các hữu ích, đó là việc tiếp cận thông tin nhanh nhất, tương tác thuận tiện nhất, mở rộng mối quan hệ ít tốn kém nhất, giao dịch thương mại với giá cả hời nhất, giải trí rẻ nhất…
Tuy nhiên, người dùng mạng cũng dễ gặp phải rất nhiều thứ tồi tệ, như dễ bị bội tín, dễ bị đối tác biến mất dạng, dễ cuỗm sạch tiền bạc mà chẳng biết cầu cứu ai… Nêu ví dụ đơn giản như việc mua bán hàng online vốn đang rất thịnh hành hiện nay để thấy, để không rơi phải hoàn cảnh tiền mất mà ôm hàng lởm cũng đòi hỏi có kỹ năng.
Chỉ riêng lĩnh vực bán quần áo trên mạng thôi cũng đủ thấy muôn hình vạn trạng. Có rất nhiều shop online thường cập nhật những bộ váy áo đẹp về kiểu dáng, sang về chất liệu, giá cả lại hấp dẫn. Nhiều tín đồ thời trang vì thế chẳng ngại ngần giao dịch, nhưng khi tiền đã trao đi (chuyển khoản), hàng nhận về là thứ khác xa với ảnh quảng cáo.
Chị Nguyễn Thu Hà, một người sành mua quần áo online cho biết, để được như ngày hôm nay, chị đã không ít lần “mất tiền ngu”. Sau khi phải trả học phí, chị đã biết lựa chọn cho mình những trang bán hàng uy tín và tẩy chay những địa chỉ “treo đầu dê bán thịt chó”. “Tôi đã định dạng được những shop bán hàng kém chất lượng để không bao giờ clik chuột nhưng hàng ngày lướt facebook, tôi vẫn thấy nhan nhản, vẫn thấy rất đông người comment đặt hàng. Với gần 60 triệu tài khoản facebook, chỉ cần tỷ lệ rất ít trong số này vào mua dù chỉ 1 lần là họ đã “ăn đủ” rồi”, chị Hà chia sẻ.
Việc ai đó đặt mua một sản phẩm điện tử hàng chục triệu được quảng cáo là hàng Nhật chính hãng như khi nhận về là hàng lởm không phải hiếm gặp. Hay như đặt mua loại thuốc đông dược được quảng cáo là sản phẩm gia truyền có thể chữa khỏi bệnh xương khớp, yếu sinh lý, thận, rụng tóc… nhưng uống hết mấy liệu trình, bệnh vẫn chẳng suy chuyển không có gì lạ.
Bởi câu chuyện của anh bạn đồng nghiệp chia sẻ trên facebook để cảnh báo bạn bè, cộng đồng mạng về việc anh và nữ nghệ sỹ (nhân vật anh phỏng vấn) bị lợi dụng để quảng cáo cho một loại thuốc chữa bạc tóc, hói đầu là một ví dụ. Theo quảng cáo, nhà thuốc gia truyền này ở một huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ, đã chữa cho rất nhiều người thành công. Bằng chứng họ đưa ra là hình ảnh, anh bạn tôi đang ngồi phỏng vấn một nữ nghệ sỹ lớn tuổi nhưng có mái tóc dài, đen nhánh.
Khi hình ảnh này lan truyền, đã có người inbox hỏi anh thêm thông tin và kinh nghiệm sử dụng thuốc. Đến lúc này, anh mới tá hỏa vào mạng xem thì phát hiện, họ ăn cắp cái ảnh anh đang phỏng vấn nghệ sỹ đã đăng báo để đăng quảng cáo trên facebook.
Kinh nghiệm mua bán hàng online cho thấy, nếu đủ tỉnh táo vẫn có thể mua được hàng chính hãng, hàng tốt từ những tài khoản mạng xã hội, bởi luôn có những tài khoản bán hàng chân chính. Nhưng việc này đòi hỏi người dùng mạng phải có kiến thức lẫn kỹ năng.
Để trở thành một người mua hàng online thông thái, không phải dễ. Và khi chưa trở thành thượng đế thông thái, cái bạn mất là tiền. Nhưng khi đọc phải những tin giả, tin độc, tin xấu trên mạng, cái bạn mất lớn nhiều. Đó là sự lo lắng, sợ hãi, bị lôi kéo vào việc làm xấu, mất niềm tin… Thế nên, trước biển thông tin trên thế giới mạng, người dùng mạng phải biết cách chọn lọc.
Trong những số báo trước, chúng tôi đã đề cập đến tình trạng đăng tin hoang báo về bệnh dịch tả lợn châu Phi có thể lây sang người, tiền giả đang lưu hành trên thị trường… Hay trước đây, người ta loan báo trên mạng về tình trạng bắt cóc trẻ em, nên có những người đi buôn gạo khi đến địa phương nọ đã bị vu là mẹ mìn.
Những tin đồn trên mạng, cộng với hiện tượng nghi ngờ bị thổi phồng lên khiến cả làng quây bắt một người vô tội. Hiệu ứng đám đông trên mạng lan cả ra ngoài đời thực đã gây ra sự bất ổn trong đời sống. Thế nên, người dùng khi đã tạo được cho mình một bộ lọc thì không chỉ khi tiếp cận với thông tin trên mạng mà cả khi tham gia các giao dịch dân sự khác là đã thiết lập cho mình hành lang an toàn.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Thông tin truyền thông đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nhằm hạn chế thông tin xấu, độc. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, điểm tích cực của mạng xã hội là đáp ứng nhu cầu người sử dụng về tính chia sẻ, tương tác, kết nối. Mạng xã hội cũng đang trở thành nơi nở rộ các hành vi thiếu văn hoá, xúc phạm tổ chức, cá nhân, là môi trường tốt cho các hành vi kinh doanh bất hợp pháp, lừa đảo…
Từ cách nhìn nhận này và ghi nhận từ thực tế, thiết nghĩ mỗi người tham gia vào môi trường mạng phải biết trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để tận dụng tối đa những hữu ích mà nó mang lại cũng như hạn chế mặt tiêu cực. Hiện nay, hành lang pháp lý về an ninh mạng đang dần hoàn thiện, đây là cơ sở để buộc mọi công dân phải tuân thủ những quy định của pháp luật trên không gian mạng và là chế tài để xử lý hành vi vi phạm.
Một tài khoản mạng xã hội đăng tin thất thiệt về việc lưu hành tiền giả. |
Lời khuyên của chuyên gia
Trong quá trình tìm tư liệu cho bài viết này, tôi đã gặp gỡ với những người hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Công việc đòi hỏi họ luôn tiếp cận những thông tin mới nhất về khoa học công nghệ trong lĩnh vực an ninh mạng; hành lang pháp lý để bảo đảm an ninh mạng; dịch vụ viễn thông, thiết bị viễn thông, thiết bị máy tính cũng như nhũng thủ đoạn luôn luôn biến đổi của tội phạm sử dụng công nghệ cao. Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, cũng như việc gia tăng người tham gia vào không gian mạng vừa là thành tựu, là nhu cầu, vừa đòi hỏi những người làm công tác đảm bảo an toàn trên môi trường mạng những thách thức.
Để an toàn cho mình, trước tiên phải là tự thân người sử dụng mạng. Lời khuyên mà tôi nhận được từ chuyên gia dành cho người sử dụng mạng là: Cố gắng không gửi tiền cho người quen trên mạng vì bất cứ lý do gì; hãy là người sử dụng Internet thông minh. Đó là tuân thủ nguyên tắc: Không khai thông tin cá nhân; không tiết lộ tài khoản ngân hàng; mật khẩu email, facebook; không khai rõ họ tên, địa chỉ nơi làm việc, nhà riêng; khi truy cập Internet chỉ nên vào các trang web tin cậy có đuôi .vn, tránh truy cập vào những trang thiếu tin cậy, những trang có đuôi .com, .infor; cẩn thận khi truy cập vào các trang web có yêu cầu cung cấp email, tài khoản ngân hàng, lưu ý xem tên miền; khi đọc thông tin trên mạng cần vào những trang báo chính thống. Còn trước những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, người đọc cần phải chắt lọc, kiểm chứng để biết đúng, sai.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng tinh vi, đa dạng. Để phòng tránh, người sử dụng Internet phải biết cách đảm bảo an toàn cho mình, biết chắt lọc thông tin, thận trọng khi chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Hiện nay, pháp luật hiện hành có đủ chế tài để bảo vệ người sử dụng mạng cũng như đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đó là Luật Hình sự 2015 sửa đổi; Nghị định 174/2013/NĐ-CP; Nghị định 72/2013/NĐ_CP; Luật Công nghệ thông tin; Luật An ninh mạng. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, trước đây có những hành vi chưa được quy định trong Luật Hình sự, gây khó khăn cho việc xử lý thì nay đã được bổ sung. Điển hình là hành vi mua bán thông tin tài khoản ngân hàng.
Trong đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao, lực lượng chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Đó là việc đối tượng đã lợi dụng tính ưu việt của công nghệ thông tin để thực hiện hành vi phạm tội dễ dàng nhưng lại rất khó khăn trong điều tra vì: Tính bảo mật của hệ thống công nghệ thông tin; tính mở của công nghệ thông tin (ai cũng có thể lên mạng, tính ẩn danh); phối hợp của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa được nhanh chóng; việc phối hợp với cơ quan nước ngoài phụ thuộc vào hành lang pháp lý khác nhau của từng quốc gia; trang thiết bị công nghệ liên tục cập nhật những phiên bản mới, khó tiếp cận kịp thời. Ngoài ra, đặc điểm của đối tượng phạm tội thường có hiểu biết nhất định về công nghệ thông tin, xoá dấu vết nhanh.
Chỉ riêng lĩnh vực đấu tranh với tội phạm sử dụng mạng xã hội để phạm tội, cơ quan điều tra cũng gặp không ít khó khăn, đó là đối tượng khai thông tin cá nhân ảo, khó xác định trong quá trình điều tra. Để thực hiện việc này, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của nhà cung cấp dịch vụ, như Google, Facebook nhưng họ lại đặt trụ sở ở nước ngoài nên khó khăn trong việc tiếp cận.
Luật An ninh mạng mới có hiệu lực quy định, các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lĩnh vực này phải đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đây là cơ sở để tin rằng, trong thời gian tới, khó khăn này sẽ được tháo gỡ phần nào. Thực tế, có những vụ việc cơ quan Công an phải nhờ sự hỗ trợ của Interpol, nhưng các nước lại có những quy định khác nhau nên cũng không dễ dàng trong quá trình thu thập tài liệu.
Ngoài ra, việc hợp tác với nhà mạng trong nước cũng chậm, không đáp ứng yêu cầu. Luật An ninh mạng có yêu cầu, các nhà mạng phải có trách nhiệm hợp tác với cơ quan Công an nhưng nhà mạng hay ngân hàng cũng phải tuân thủ tính bảo mật đối với khách hàng…
Những khó khăn, vướng mắc trong đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao vừa nêu phần nào cho thấy tính chất, mức độ phức tạp của loại tội phạm này. Để tránh trở thành nạn nhân khi sử dụng mạng, bản thân mỗi người cần phải có ý thức bảo vệ mình và có trách nhiệm trong việc đảm bảo môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Nguồn: cand.com.vn
Không có nhận xét nào