Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất giờ làm việc từ 8h30
Nhiều chuyên gia phản biện đề xuất đổi giờ làm, vì cho rằng Việt Nam tuy thống nhất múi giờ song khí hậu vùng miền khác nhau.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 2 phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức.
Phương án đầu tiên là bổ sung vào Bộ Luật này quy định: "Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước". Thời gian làm việc dự kiến từ 8h30 đến 17h30, nghỉ trưa 60 phút.
Phương án hai, giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không nêu trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, các địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.
Theo đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nhiều cơ quan tổ chức nước ngoài ở Việt Nam đang làm việc từ 9h nên đề xuất giờ làm việc của các cơ quan hành chính buổi sáng từ 8h30 để hội nhập; còn đề xuất một giờ thống nhất là để liên thông từ trung ương tới địa phương.
Vị này nói, hiện nay không có sự thống nhất giờ làm việc trên toàn quốc, các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8h, trong khi đa số địa phương bắt đầu từ 7h vào mùa hè hoặc 7h30 vào mùa đông, không thuận lợi cho người dân đi giải quyết thủ tục hành chính.
Về đề xuất nghỉ trưa, đại diện Vụ Pháp chế cho biết, hiện nhiều địa phương như Hà Nội đã quy định nghỉ trưa trong 60 phút nên đề xuất trên nếu được thực hiện thì sẽ không có thay đổi, "thời gian 60 phút như vậy là đủ cho công chức ăn uống, nghỉ ngơi".
Người dân làm thủ tục hành chính tại cơ quan công quyền. Ảnh: Xuân Hoa.
|
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng đề xuất giờ làm việc thống nhất trong cả nước là không hợp lý, vì tuy cùng múi giờ song khí hậu các vùng miền khác nhau và tỷ lệ dân cư nông thôn lớn. Người dân nông thôn thường dậy sớm từ 5-6h, để tránh nắng nóng họ đến cơ quan hành chính từ 7h sáng nên việc các đơn vị làm từ 8h30 là "vấn đề cần cân nhắc".
Ngoài ra, không thể bỏ qua giờ bắt đầu vào học của con cái khi quyết định giờ làm việc của bố mẹ. Nghỉ trưa trong 60 phút cũng chưa hợp lý, vì tập quán người dân Việt Nam là ăn uống theo kiểu truyền thống, không phải ăn nhanh nên 60 phút không đủ thời gian cho người dân ăn uống, nghỉ ngơi.
Theo ông Hiểu, nên để các địa phương tự quy định về giờ làm việc theo đặc thù địa phương, như Hà Nội có thể quy định nhiều khung giờ làm việc để tránh ùn tắc vào cao điểm. Các địa phương cần lấy ý kiến của người dân, công chức hoặc thông qua HĐND các cấp để nghiên cứu giờ làm việc phù hợp.
Ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn Việt Nam cũng cho rằng thời gian làm việc bắt đầu từ 7h30 hoặc 8h là hợp lý, nếu bắt đầu từ 7h là quá sớm, sẽ vất vả đối với các gia đình có con nhỏ hoặc từ 8h30 là quá muộn. Thời gian nghỉ trưa kéo dài 1,5 giờ để người lao động nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.
Ngoài ra, ông Thọ đề xuất các cơ quan hành chính đặc thù có thể linh động tùy thuộc công việc, như bộ phận tiếp dân có thể làm việc sớm hơn.
Trái với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ôtô Việt Nam, cho rằng quy định về giờ làm việc cần thống nhất giữa các địa phương để đảm bảo liên thông giữa các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương; nếu không sẽ không phát huy được hiệu quả công tác giữa các cơ quan.
Khi quy định chung một giờ làm việc có thể lượng người tham gia giao thông tăng lên, song ông Quyền ước tính với tỷ lệ công chức, viên chức chiếm khoảng 10-20% số người tham gia giao thông thì có thể ùn tắc không nhiều tại các thành phố lớn. Ngoài ra, các trung tâm thương mại, doanh nghiệp có thể làm từ 9h.
Tuy nhiên, ông Quyền đánh giá thời gian làm việc từ 8h30 như đề xuất của Bộ Lao động là chưa hợp lý vì thời gian nghỉ trưa từ 12h30 là khá muộn cho việc ăn uống, nghỉ ngơi. Theo ông, giờ làm việc sáng từ 8h đến 12h, chiều từ 13h đến 17h là hợp lý hơn.
"Ở nhiều nước trên thế giới, thời gian làm việc từ 9h là do khí hậu lạnh, Việt Nam là khí hậu nhiệt đới nên giờ làm việc cần sớm hơn", ông Quyền nói.
Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, đề xuất thống nhất giờ làm việc từ trung ương tới địa phương đã từng được đưa ra từ hơn chục năm trước, song nhiều địa phương không đồng thuận, vì thời tiết khác nhau.
"Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần đánh giá tác động của việc đổi giờ làm. Liên thông giờ làm việc trung ương và địa phương nếu được là tốt, song quan trọng hơn là phải thuận lợi cho đời sống của người dân", ông Huân nói và cho rằng đề xuất đổi giờ làm sang 8h30 cũng cần được lấy ý kiến người dân để tránh xáo trộn.
Không có nhận xét nào