RSF lại giở trò hề “bảng xếp hạng tự do báo chí”
Ngày 18-4, Tổ chức phóng viên không biên giới – RSF (Reporters Sans Frontiers) đã công bố bảng xếp hạng tự do báo chí 2019 (World Press Freedom Index 2019) để đánh giá tình hình tự do báo chí toàn cầu.
Theo công bố của RSF, Việt Nam đã bị tụt một hạng trên bảng xếp hạng tự do báo chí so với năm ngoái, đứng thứ 176/180 quốc gia được đánh giá.
Ngay sau khi công bố này được đưa ra, các trang website, tờ báo, kênh truyền thông của các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị và những người có cái nhìn không thiện cảm với Việt Nam đã nhanh chóng rêu rao, lan truyền bảng xếp hạng và thể hiện sự hả hê trước thông tin này.
Đi liền với đó, không ít người đã lồng ghép các thông tin, tư tưởng sai lệch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Họ cho rằng tình hình báo chí của chúng ta trở nên ngày càng u ám, họ vu khống “hận thù đối với các nhà báo nay đã biến thành bạo lực” v.v…
Vậy trong số những thông tin về tự do báo chí của Việt Nam được RSF công bố, có bao nhiêu phần trăm là sự thật?
RSF là tổ chức phi chính phủ, được thành lập năm 1985 do Robert Ménard – một nhà báo người Pháp. Hiện nay, trụ sở chính của RSF đặt tại Paris, Pháp. Ngoài ra, tổ chức này còn có văn phòng đại diện tại một số quốc gia trên thế giới.
Theo tuyên bố, mục đích hoạt động của RSF là nhằm thúc đẩy tự do báo chí, tự do ngôn luận và bảo vệ nhà báo trên toàn cầu. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, RSF thường xuyên đưa ra những thông tin, đánh giá, bình luận sai lệch, vu khống, đánh giá không đúng bản chất vấn đề của Việt Nam.
Về bảng đánh giá tự do báo chí World Press Freedom Index 2019 được RSF đưa ra, không khó để thấy căn cứ đánh giá, xếp hạng của RSF không thuyết phục. Riêng đối với Việt Nam, RSF không có một nghiên cứu chuyên sâu, cụ thể nào về tình hình báo chí.
Đồng thời, tổ chức này cũng không sử dụng bất kì báo cáo nào của Chính phủ Việt Nam để đưa ra đánh giá. Chỉ dựa trên một số khảo sát “như có như không” được cóp nhặt một cách phiến diện, một chiều và một số bài phỏng vấn với các “nhà báo” tự phong, các nhà “dân chủ mạng”, RSF vội vã kết luận Việt Nam về tình hình báo chí của Việt Nam.
Thực tế, cách đánh giá của tổ chức này là thiếu khách quan, không trung thực và không thể hiện được bản chất vấn đề. Chính vì vậy, mức độ tin cậy trong bảng đánh giá tự do báo chí được RSF đưa ra hầu như không có.
Bảng xếp hạng tự do báo chí: Khi những người không hiểu luật đi đánh giá vấn đề!
Qua cách làm việc của RSF, có thể thấy hoạt động của tổ chức này không có tính khách quan. Dường như những người đi đánh giá tự do báo chí của các quốc gia trên thế giới lại đang bị thiếu hụt nghiêm trọng hiểu biết về pháp luật liên quan đến báo chí.
Để đánh giá, xếp hạng về một vấn đề nhất định, cá nhân, tổ chức được giao nhiệm vụ “cầm cân nảy mực” cần có hiểu biết toàn diện về vấn đề mà mình đang làm. Chỉ có như vậy, kết quả đánh giá mới đảm bảo tính chuẩn xác và phát huy giá trị trên thực tế.
Đối với việc đánh giá tự do báo chí của các quốc gia trên thế giới, trước hết cần phải nắm chắc quy định trong luật pháp quốc tế để từ đó nghiên cứu, so sánh, đối chiếu vào thực tiễn của từng nước. Thực tế, quyền tự do báo chí là khía cạnh cụ thể của quyền tự do ngôn luận.
Tại khoản 2 Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 (Việt Nam đã tham gia công ước này từ năm 1982) quy định: “Mọi người có quyền tự do ngôn luận.
Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tự do báo chí một cách thái quá. Tự do nhưng vẫn phải trong khuôn khổ của pháp luật. Khi thực hiện các quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng, các cá nhân, tổ chức cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định liên quan. Và đặc biệt, việc tự do ngôn luận, tự do báo chí này không được xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm lợi ích của cộng đồng.
Ngay tại khoản 3 Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966 cũng đã nhấn mạnh: “3. Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt.
Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội”.
Như vậy, để biết một quốc gia nào có tự do ngôn luận hay không có tự do ngôn luận cần phải có nghiên cứu chuyên sâu không những về quy định của pháp luật quốc tế mà còn phải nắm bắt toàn diện các quy định liên quan của mỗi quốc gia.
Chỉ có vậy, mới có thể biết những “những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt” cũng như “một số hạn chế nhất định” khi thực hiện quyền tự do báo chí để từ đó đánh giá đúng bản chất của vấn đề.
Thực tiễn tự do báo chí ở Việt Nam?
Thực tế cho thấy Việt Nam đang thực hiện nghiêm túc các cam kết của mình về vấn đề tự do báo chí. Đời sống báo chí của Việt Nam đang phát triển một cách hết sức sôi nổi, đảm bảo mọi công dân đều có thể thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách thuận lợi nhất.
Về mặt pháp lý, quyền tự do ngôn luận nói chung và tự do báo chí nói riêng đang được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
Tại Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Tại Luật Báo chí hiện hành, chúng ta cũng đã có hẳn một chương với 4 điều (từ Điều 10 đến Điều 13, Chương II) quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.
Về mặt thực tiễn, đời sống báo chí của nước ta đang rất sôi động. Chúng ta phát triển đầy đủ các loại hình báo chí từ báo in, báo nói, báo truyền hình, báo điện tử. Cùng với các hãng thông tấn báo chí trong nước, các hãng truyền thông báo chí nước ngoài cũng đang hoạt động tích cưc tại Việt Nam. Với sự phát triển nhanh chóng của Internet, mạng xã hội, các hoạt động báo chí ngày càng trở nên đa dạng.
Có thể thấy mỗi người dân đều đang trở thành một phần của đời sống báo chí. Họ không chỉ hưởng thụ các sản phẩm báo chí mà còn tham gia vào quá trình cung cấp, sản xuất tin, bài cho các cơ quan, đơn vị truyền thông. Thông qua đây, người dân được nói lên tiếng nói, nguyện vọng của bản thân mình, đồng thời thực hiện quyền lực chính trị của bản thân.
Động cơ xuyên tạc tình hình báo chí ở Việt Nam của RSF là gì?
RSF đã rất nhiều lần đưa ra các thông tin sai lệch, xuyên tạc trắng trợn tình hình tự do ngôn luận, tự do báo chí của Việt Nam.
Bên cạnh việc thường xuyên đưa Việt Nam vào nhóm “chót bảng” trong bảng xếp hạng tự do báo chí, tổ chức này còn liên tục cổ suý, tung hô các đối tượng phản động, cơ hội chính trị có hành vi chống phá Việt Nam.
Các đối tượng nổi bật trong giới “dân chủ” như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Nguyễn Hữu Vinh, Trương Duy Nhất v.v… có mối quan hệ khá thân thiết với RSF. Bất chấp việc các đối tượng trên có hành vi chống phá Việt Nam, xâm phạm đến an ninh quốc gia, an toàn xã hội của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế, RSF vẫn ca ngợi những người này như những “anh hùng”.
Thậm chí, RSF còn trao giải “Tự do báo chí” cho các đối tượng trên. Đồng thời, khi chính quyền Việt Nam xét xử các đối tượng có hành vi phạm tội, RSF cũng liên tục vu khống, công kích Đảng, Nhà nước ta. Các đối tượng này còn tự cho mình quyền phán xét hệ thống pháp luật của Việt Nam, cho mình quyền coi thường, bất chấp pháp luật của Việt Nam. Đây là điều không thể chấp nhận.
Qua cách hành động của mình, RSF đang bộc lộ bản chất thù hằn, thiếu thiện cảm với Việt Nam. Dù tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức này là tốt đẹp, chính đáng nhưng khi hoạt động lại có rất nhiều lệch lạc, biến tướng.
Một mặt, RSF câu móc, tập hợp, nuôi dưỡng, huấn luyện các đối tượng chống đối, đào tạo thành những “nhà báo tự do” để tuyên truyền tư tưởng tự do tư bản chủ nghĩa vào Việt Nam, chống phá hệ tư tưởng cộng sản. Mặt khác, RSF cố tình xuyên tạc tình hình, lợi dụng chiêu bài tự do ngôn luận, tự do báo chí để gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Suy cho cùng RSF cũng chỉ là một quân cờ được sử dụng trong chiến lược “diễn biến hào bình” để chống phá, tiến tới lật đổ chế độ, lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản ở Việt Nam nói riêng và ở các nước theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa nói chung.
Thẳng thắn đánh giá, đây chính là một tổ chức lợi dụng vỏ bọc tự do báo chí để xâm phạm an ninh của quốc gia khác.
Nguồn: cand.com.vn
Không có nhận xét nào