Nữ sinh bị đánh ở Hưng Yên: Gia đình và xã hội đều phải có trách nhiệm
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không chỉ còn là trách nhiệm của nhà trường.
Mấy ngày qua, dư luận xã hội đang rất phẫn nộ trước vụ việc 5 học sinh nữ của trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên đánh hội đồng 1 bạn nữ cùng lớp khiến học sinh này phải nhập viện điều trị do sang chấn tâm lý. Ngày 31/03, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã đề nghị xem xét làm quy trình xử lý cách chức đối với Ban Giám hiệu nhà trường và có hình thức xử lý nặng hơn đối với giáo viên chủ nhiệm lớp vì chưa làm tròn trách nhiệm dạy, chăm sóc học sinh. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh không phải chỉ có nhà trường mà còn là trách nhiệm của các gia đình và xã hội.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi nữ sinh bị đánh sáng 31/3. Ảnh: Dương Tâm
|
Từ ngày bị 5 bạn cùng lớp đánh đến nay, em N.T.H.Y vẫn phải điều trị tại Bệnh viện Tâm thần kinh tỉnh Hưng Yên. Giữa những cơn mê sảng từ những trận đòn "thừa sống thiếu chết" của lũ bạn cùng lớp, Hải Yến luôn trực trào nước mắt. Yến cho biết, em bị nhóm bạn này đánh nhiều lần mà lý do thì chẳng lần nào giống lần nào.
“Chắc là do em hiền lành với dễ sai vặt. Có lần cô bắt cả lớp viết bản cam kết, có đứa tên Trang ở lớp đúp về đây làm trùm, bắt em viết bản cam kết. Em viết bản cam kết của em nộp xong rồi, cô giáo bảo cả lớp là những em nào chưa nộp xong bản cam kết này thì đứng lên để chiều cô mời phụ huynh, thế là nó tức đánh em một trận. Ở lớp có biết nhưng các bạn sợ, không dám nói ra”- em Y. nói.
Trao đổi với một số học sinh lớp 9A, các em cũng cho biết, nhóm bạn này hay vi phạm nội quy của trường, trong đó học sinh Nguyễn Thị Diệu Trang hay bắt nạt các bạn cùng lớp. Nhiều học sinh trong lớp bức xúc nhưng không dám phản kháng. Lê Ánh Quỳnh, học sinh lớp 9A cho biết về tính cách của 5 học sinh đã hành hung N.T.H.Y trong clip.
“Các bạn bình thường chỉ nô nghịch, có vi phạm như đi học muộn, thiếu khăn quàng, nghỉ học tự do. Các bạn cũng có trêu bạn Y.trong lớp. Trang nô nghịch nhất”.
“Các bạn ấy hay nghịch và trêu đùa các bạn, hay trêu vỗ lưng các kiểu, khi cáu lên thì mặt nhăn nhó và chửi bậy”- Lê Thị Phượng, học sinh lớp 9A nói.
Các học sinh trong lớp không dám phản kháng, cũng không dám nói với giáo viên chủ nhiệm. Vì vậy khi bị nhóm bạn này đánh, N.T.H.Y cũng không báo với giáo viên chủ nhiệm hay chia sẻ với bạn bè để trợ giúp. Cô Hoa Thị Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A cho biết, trong trong số 5 học sinh đánh bạn, có 2 em chuyển từ nơi khác đến và 2 em từ lớp khác chuyển sang. Trên lớp, 5 học sinh này cũng có một số biểu hiện nghịch ngợm theo lứa tuổi học sinh, nhận thức về môn Toán ở mức khá, thậm chí trong nhóm còn có 1 học sinh là lớp phó học tập và 1 học sinh là sao đỏ.
“Trước đó tôi cũng chưa thấy hiện tượng của các bạn bắt nạt các bạn khác, chỉ thấy các bạn chơi thân với nhau trong giờ ra chơi đó là chuyện bình thường, còn các bạn bắt nạt các bạn khác thì tôi chưa nghe bạn nào phản ánh. Khó khăn với chúng tôi là, mỗi tuần giáo viên chủ nhiệm có 4 tiết/tuần, thời gian cũng không nhiều trong khi lớp sỹ số khác đông, với 41 học sinh. Vì vậy, cũng khó có thể bao quát toàn bộ hoạt động của các em. Ngoài ra chúng tôi còn phải làm nhiều vấn đề chuyên môn, chúng tôi cố gắng làm việc hết”- cô giáo Hoa Thị Trang chia sẻ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong số 5 học sinh tham gia đánh bạn theo lối "hội đồng", mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khá đặc biệt, hầu hết không nhận được sự chăm sóc đầy đủ của cha mẹ. Nhiều gia đình đi làm ăn xa, mải với công việc mà chưa thực sự sát sao dạy dỗ con em mình; phó mặc cho nhà trường trong việc giáo dục con. Đơn cử như gia đình của Nguyễn Thị Diệu Trang, học sinh được cho là cầm đầu nhóm đánh bạn: cả bố và mẹ đều đi làm ăn xa, phải ở nhà với bà nội. Ông Nguyễn Văn Tân, bố của Nguyễn Thị Diệu Trang cũng thừa nhận, để xảy ra sự việc này thì cha mẹ cũng có lỗi vì đã không dành nhiều thời gian cho con.
“Tôi đi làm xa ở Cao Bằng, mấy hôm tranh thủ về có đám cưới thì cô giáo gọi điện gặp để nói chuyện. Tôi mải kiếm tiền nên không quan tâm đến con, để con có những hành động hư hỏng, làm bố mẹ tôi cũng rất đau lòng. Mình làm cha làm mẹ, sai sót là dạy con không đến nơi đến chốn”- ông Tân nói.
Ở rất nhiều vùng quê hiện nay, nhiều gia đình buộc phải "ly hương" để kiếm miếng cơm manh áo, bỏ lại con cái ở quê nhà. Trong cuộc "ly hương" đó, chẳng ai mong những đứa con ở lại quê nhà sẽ trở nên hư hỏng hoặc làm những chuyện đau lòng. Thế nhưng, những đứa trẻ lớn lên thiếu đi tình yêu thương, sự dạy dỗ thường xuyên của cha mẹ sẽ khó để phát triển toàn diện.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cùng với nhà trường thì môi trường giáo dục của gia đình, xã hội cũng rất quan trọng. Gia đình chính là cái nôi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức cho trẻ em, dạy các em biết yêu thương và đau trước nỗi đau của đồng loại. Việc các gia đình thiếu quan tâm chăm sóc, tìm hiểu tâm tư tình cảm của các em nên không kịp thời phát hiện những thay đổi trong tâm sinh lý của con em mình. Cái ác phải được loại trừ, tránh dung dưỡng để không còn những câu chuyện đau lòng như vừa xảy ra tại Trường THCS Phù Ủng ./.
Nguồn: Vov.vn
Không có nhận xét nào