Không để những kẻ chuyên tạo dựng, phát tán thông tin bịa đặt, xấu độc mãi coi thường pháp lý và đạo lý
Ngay sau khi Báo đăng bài “Kiên quyết đấu tranh với “nấm độc thông tin” và các “thuyết âm mưu” đen tối”, tòa soạn nhận được ý kiến phản hồi của đông đảo bạn đọc. Nhiều cán bộ lãnh đạo, các tướng lĩnh, cựu chiến binh, đảng viên và nhân dân gọi điện, nhắn tin, gửi email, phản hồi về tòa soạn đồng tình với việc phải kịp thời lên tiếng, đấu tranh, đẩy lùi thông tin xuyên tạc, bịa đặt. Các ý kiến cũng kiến nghị phải xử lý nghiêm minh những hành vi sai phạm đó cả về mặt đạo lý và pháp lý; không để kẻ xấu gây hoang mang dư luận, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ và coi thường uy tín, danh dự của Đảng, Nhà nước cũng như kỷ cương phép nước… BBT xin trích đăng một số ý kiến…
Thiếu tướng HOÀNG KIỀN, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường tuần tra biên giới, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh: Phải có biện pháp cứng rắn, xử lý hình sự một số đối tượng
Thời gian gần đây, một số trang mạng liên tục tung ra nhiều thông tin xuyên tạc trong đó có vấn đề sức khỏe của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao Báo Quân đội nhân dân, có lẽ là một trong những tờ báo đầu tiên đánh giá chính xác thủ đoạn của chúng và có những bài viết kịp thời đấu tranh, định hướng dư luận.
Là một cựu chiến binh đã trải qua chiến tranh, hoạt động ở nhiều miền biên giới, hải đảo và nay nghỉ hưu về với đời thường, thường xuyên cập nhật thông tin trên mạng xã hội, tôi nhận thấy sự nguy hiểm của những thủ đoạn đơm đặt thông tin vô đạo đức, coi thường kỷ cương phép nước như vậy.
Đây không phải là lần đầu chúng tung ra loại thông tin đó. Cách đây ít lâu, chúng cũng tung thông tin xuyên tạc, bịa đặt về Đại tướng Phùng Quang Thanh, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã bị ám sát tại nước ngoài. Loại thông tin đó không chỉ xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân lãnh đạo mà còn là sự xúc phạm tới danh dự, uy tín của Đảng, Nhà nước, của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên thế giới, có quốc gia đã coi loại tội phạm thông tin này nguy hiểm như tội phạm đối với an ninh quốc gia; nhiều nước đã có chế tài pháp luật và xử lý nghiêm khắc. Ở nước ta, đến nay, vẫn chiêu bài cũ, chúng tiếp tục xuyên tạc, bịa đặt thông tin liên quan đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước để từ đó thu hút sự chú ý của dư luận, hòng suy diễn ra hàng loạt nội dung, mưu mô, đấu đá, trả thù… gây hoài nghi. Đây là hành động vô cùng xấu xa, bỉ ổi; vô đạo đức, vi phạm cả về pháp lý và đạo lý làm người. Toàn xã hội cần phải lên án, các cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ âm mưu, mục đích, sự nguy hại và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Có một số kẻ cơ hội chính trị nhân những sự việc này lợi dụng dựa vào đó để “câu like”, đánh bóng tên tuổi, kiếm tiền thông qua trang mạng xã hội nên chúng trắng trợn viết bài phỉ báng lãnh đạo, thách thức pháp luật. Đặc biệt hai đối tượng Lê Nguyễn Hương Trà và Bùi Thanh Hiếu gần đây liên tiếp tung ra những thông tin xuyên tạc, xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng tôi hoan nghênh Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua đã nỗ lực làm việc với Google, Facebook để gỡ bỏ hàng trăm clip xuyên tạc, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Nhưng chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ, rất mong các cơ quan pháp luật phải chủ động vào cuộc, xử lý nghiêm minh và có biện pháp ngăn chặn kẻ xấu tiếp tục tái diễn phát tán thông tin xấu độc. Tôi đọc một bài báo cho biết, một tờ báo ở Mỹ từng đuổi việc một phóng viên vì viết bài bịa đặt về tình hình sức khỏe một nữ ứng cử viên tổng thống. Việt Nam cũng rất cần có biện pháp cứng rắn như vậy, thậm chí cần phải xử lý hình sự một số đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Luật sư BÙI QUANG (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Đã có đủ chế tài để xử lý nghiêm khắc
Hiện tượng các phần tử phản động, cơ hội tiếp tục tán phát những thông tin xuyên tạc, bịa đặt về một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội gây bức xúc trong dư luận đã tái diễn nhiều lần. Các nhà lập pháp đã quan tâm tới điều này nên Quốc hội từng bàn thảo và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý rành mạch ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý thông tin xấu. Là một người hoạt động trong lĩnh vực pháp luật từng tìm hiểu sâu về vấn đề này, tôi đồng tình với quan điểm Báo Quân đội nhân dân nêu.
Chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối chặt chẽ; xác định cụ thể khung hình phạt đối với các loại hình tội phạm tung tin xuyên tạc, bịa đặt, bôi xấu, gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của tập thể, cá nhân. Để xử lý nghiêm những đối tượng này, cơ quan chức năng cần xác định hành vi xuyên tạc, bôi nhọ, vu khống rồi tùy thuộc vào nội dung thông tin, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung thông tin lên mạng tác động đến xã hội như thế nào để áp dụng mức xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt hành chính, dân sự hoặc hành vi gây ảnh hưởng nghiêm trọng cần được xử lý theo tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại Điều 331, Bộ Luật hình sự năm 2015. Đồng thời, những thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cũng là hành vi bị cấm và bị xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng 2018.
Vì vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần phải điều tra, làm rõ, đưa những vụ án liên quan đến đối tượng tung tin, bịa đặt ra xét xử nghiêm minh, công khai nhằm răn đe, qua đó tuyên truyền để từng người dân nhận diện rõ bộ mặt thật của những phần tử cơ hội chuyên tạo dựng, phát tán thông tin xuyên tạc, bịa đặt để gây hại cho cộng đồng.
Trung tướng NGUYỄN THANH TUẤN, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam: Chủ động chiếm lĩnh trận địa thông tin, đẩy lùi thông tin xấu
Đọc bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 18-4-2019 phê phán hiện tượng tán phát thông tin xuyên tạc, bịa đặt, tôi rất đồng tình với những quan điểm báo nêu.
Vấn đề đáng bàn ở đây là lâu nay truyền thông phương Tây luôn rêu rao rằng, họ rất khách quan trong công tác tuyên truyền. Thế nhưng qua các sự việc lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội ta bị họ xuyên tạc một cách trắng trợn mới thấy rằng: Những phương tiện truyền thông ấy không thực sự khách quan, tôn trọng sự thật như họ tự nhận. Họ làm vậy vì thủ đoạn chính trị, thể hiện sự không thân thiện đối với Việt Nam. Thủ đoạn này nhằm gây hoang mang trong dư luận, chia rẽ nội bộ Đảng ta, hòng gây mất niềm tin của nhân dân… Vì vậy, mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo phân biệt rõ đúng-sai với những loại thông tin bịa đặt từ đài, báo phương Tây và các trang mạng xã hội… nhất là thông tin từ những phần tử cơ hội, thành phần bất mãn và các thế lực thù địch…
Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng: Vừa qua, công tác truyền thông của chúng ta có lúc chưa kịp thời. Truyền thông chính thống cần phải chủ động hơn, nhạy bén hơn để đáp ứng nhu cầu, niềm mong mỏi của các tầng lớp nhân dân. Để chủ động chiếm lĩnh trận địa thông tin và đẩy lùi thông tin xấu, phải phổ biến thông tin có tính định hướng rộng rãi trong nhân dân; kịp thời huy động cán bộ, đảng viên tham gia đấu tranh với thông tin xấu trên mạng. Việc này không chỉ là của cơ quan chức năng, mà còn phải là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Theo tôi, những thông tin chính thống cần được kịp thời đăng tải rộng rãi mới có thể góp phần hiệu quả đấu tranh, đẩy lùi những thông tin xấu độc, những quan điểm sai trái.
NGUYỄN THỊ THU, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội: Bất bình trước những thông tin đơm đặt
Với tư cách của một công dân Việt Nam, tôi cảm thấy rất bất bình trước những thông tin đơm đặt, góp nhặt, bịa đặt của các đối tượng phản động trong thời gian vừa qua.
Các “thuyết âm mưu” của những đối tượng phản động, chống phá Đảng và Nhà nước cần phải xử lý nghiêm minh, không thể xem nhẹ, bỏ qua. Những luồng thông tin sai lệch, xấu độc làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về lãnh đạo Đảng và Nhà nước, làm nguy hại đến tinh thần đoàn kết, yêu nước của nhân dân ta. Nghiêm trọng hơn, các thông tin trên có thể kích động, tạo dựng mâu thuẫn, dẫn đến nhận thức sai lầm trong dư luận hiểu sai về nội bộ Đảng, Nhà nước có mâu thuẫn, đấu đá nội bộ…
Vì những mục đích đen tối, kẻ xấu đã bất chấp lương tri và đạo lý làm người, tạo dựng thông tin bịa đặt, “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, “gắp lửa bỏ tay người”.
Là công dân Việt Nam, chúng tôi được sống trong thời kỳ đổi mới, phát triển không ngừng của đất nước, được sống trong hòa bình, cuộc sống ngày một ấm no hơn. Dẫu còn không ít khó khăn và còn những hạn chế, bất cập nhưng đại đa số người dân luôn tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tin tưởng ở những người lãnh đạo đứng mũi chịu sào trước vận mệnh quốc gia. Vì thế, sự xuyên tạc, bịa đặt thông tin về những người lãnh đạo được nhân dân tin yêu, kính trọng càng khiến người dân bất bình, không thể chấp nhận để những kẻ xấu tiếp tục coi thường pháp luật và đạo lý.
Mỗi công dân Việt Nam chân chính không chỉ cần biết sàng lọc thông tin, kiên quyết loại bỏ những “nấm độc thông tin”, thông tin rác để vững tâm xây dựng nước nhà mà còn phải nắm vững pháp luật và tích cực chủ động tham gia đấu tranh trên mạng xã hội để những thông tin xấu bị đẩy lùi, cô lập, không có đất sống trong một xã hội văn minh, hiện đại.
Đồng chí NGUYỄN QUỐC UY, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa: Hãy là những công dân mạng thông minh và có trách nhiệm
Đọc bài “Kiên quyết đấu tranh với “nấm độc thông tin” và các “thuyết âm mưu” đen tối” đăng trên Báo Quân đội nhân dân, chúng tôi đánh giá rất cao những phân tích, dẫn chứng trong bài viết. Trên địa bàn tỉnh, những năm gần đây cũng từng xảy ra hiện tượng xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín của cán bộ lãnh đạo. Các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng đã bắt đối tượng Nguyễn Danh Dũng là chủ tài khoản điều hành một kênh Youtube xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước…
Thông qua sự việc này, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ và phải là những công dân mạng thông minh và có trách nhiệm với việc sử dụng mạng xã hội, có trách nhiệm khi phát ngôn trên mạng xã hội hay khi chia sẻ lại thông tin, tránh tình trạng bản thân cũng góp phần tán phát những thông tin không chính xác. Hiện nay, Luật An ninh mạng đã có hiệu lực thi hành, các cơ quan chức năng cần nghiêm trị những hành vi lợi dụng internet và mạng xã hội thông tin xuyên tạc, bịa đặt với mục đích xấu của các đối tượng. Cùng với đó, kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo hướng cụ thể hóa các hành vi vi phạm, tăng cường chế tài xử phạt. Đối với những đối tượng có hành vi tung tin đồn thất thiệt, gây thiệt hại cho cộng đồng, phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Đồng chí LÊ THỊ PHƯƠNG ANH, Phó bí thư Quận đoàn Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh): Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
Bài báo “Kiên quyết đấu tranh với “nấm độc thông tin” và các “thuyết âm mưu” đen tối” trên Báo Quân đội nhân dân hữu ích đối với đội ngũ cán bộ đoàn các cấp. Không những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, vạch trần những thông tin bịa đặt của “thuyết âm mưu”, tác giả bài báo đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất giải pháp quản lý chặt thông tin và xử lý nghiêm minh các trường hợp tung tin xuyên tạc, vu khống, sai sự thật về các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.
Ở cơ sở, chúng tôi rất mong chờ các cơ quan báo chí, truyền thông chính thống chủ động vào cuộc và nhanh chóng có những thông tin như vậy để định hướng dư luận trước thông tin bịa đặt lan tràn trên internet. Những thông tin báo chí này với chúng tôi là những tài liệu quý, giúp đội ngũ cán bộ đoàn và cán bộ, đảng viên cũng như nhân dân hiểu rõ bản chất mỗi sự việc, kịp thời tham gia đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái của “thuyết âm mưu”, định hướng dư luận xã hội, giúp mỗi người dân có hành động đúng đắn.
Để miễn nhiễm trước những “nấm độc thông tin”, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần đề cao cảnh giác, tỉnh táo suy nghĩ, không a dua, bình luận, chia sẻ những thông tin thất thiệt; tích cực tuyên truyền cho nhân dân về âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, chống đối. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội, Mặt trận Tổ quốc, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên… phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân và hướng dẫn kỹ năng phân biệt thông tin thật, giả. Đoàn thanh niên các cấp cần chủ động trang bị cho đoàn viên, thanh niên kỹ năng sống, kỹ năng thu nhận và xử lý thông tin; giáo dục lý tưởng, bồi đắp niềm tin giúp thế hệ trẻ có đủ bản lĩnh, trình độ nhận thức để không bị tác động trước những thông tin xấu độc.
Nguồn: internet
Không có nhận xét nào