MKRdezign

TIN MỚI

Chuyện về lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975

Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết Trung úy Bùi Quang Thận, đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 là người đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30 tháng 4 năm 1975


Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết Trung úy Bùi Quang Thận, đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 là người đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập trưa 30 tháng 4 năm 1975. Nhưng xung quanh việc cắm cờ này, còn có rất nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng có thể biết hết. Chính Bùi Quang Thận cũng không thể ngờ được mình đã làm nên kỳ tích lịch sử đó…
Xuân năm 1975, trước những đòn tấn công quyết liệt của ta, một nửa binh lực của quân Ngụy Sài gòn đã bị tiêu diệt, buộc phải rút chạy khỏi Quân khu 1, Quân khu 2 trong thế tan rã chiến lược hầu như không thể cứu vãn nổi. Nhưng với bản chất ngoan cố, chúng vẫn ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, thiết lập các tập đoàn phòng ngự từ xa, như tập đoàn phòng ngự Phan Rang, tập đoàn phòng ngự Xuân Lộc… nhằm cố gắng bảo vệ Sài Gòn để có thể mặc cả với ta trong trường hợp dẫn đến thương lượng hòa bình.
Giữa tháng 4 năm 1975, ta quyết định mở chiến dịch tiến công mang tên “Hồ Chí Minh”, giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã tổ chức 5 cánh quân đồng thời tiến công Sài Gòn theo 5 hướng khác nhau với các mục tiêu được phân công cụ thể cho từng hướng. Trong đó, việc đánh chiếm mục tiêu Dinh Độc Lập - Dinh lũy cuối cùng của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa được giao cho Quân đoàn 4, thuộc cánh quân phía đông đảm nhiệm. Tại cuộc họp giao nhiệm vụ của Bộ Tư lệnh, khi thấy Bộ Tư lệnh chỉ giao cho Quân đoàn 4 đánh chiếm dinh Độc Lập, một sĩ quan tham mưu đã thắc mắc: “Trường hợp Quân đoàn 2 vào trước có được đánh chiếm dinh Độc Lập hay không?”. Nhận thấy đó là một ý kiến hợp lý, Tư lệnh Lê Trọng Tấn đã khẳng định: “Kế hoạch là như vậy nhưng đơn vị nào vào trước thì đánh chiếm dinh Độc Lập cũng được!”. Dẫu có kết luận như vậy, song sự lựa chọn của Bộ Tư lệnh chiến dịch cho việc đánh chiếm mục tiêu quan trọng nhất và cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc lập vẫn là Quân đoàn 4. Thế nhưng thực tế lại diễn ra không đúng như vậy, mặc dù Quân đoàn 4 đã có sự chuẩn bị rất chu đáo và giao nhiệm vụ cho Sư đoàn bộ binh 7 thực hiện nhiệm vụ này.
Quân đoàn 2 được giao nhiệm vụ tấn công vào Sài Gòn từ hướng Đông Nam. Do khoảng cách đến mục tiêu Dinh Độc lập còn xa nên Bộ Tư lệnh Quân đoàn quyết định dùng một phần lực lượng để đánh địch ở vòng ngoài, theo hình thức đánh “bóc vỏ”, sau đó tổ chức một binh đoàn thọc sâu với lực lượng nòng cốt là Lữ đoàn xe tăng 203, nhiệm vụ cắm cờ sẽ được giao cho binh đoàn này.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4, khi binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2 đã tiêu diệt toàn bộ quân địch ở cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn, phát triển tiến công về phía cầu Thị Nghè. Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn xe tăng 203, Nguyễn Tất Tài lệnh cho đại đội 3 ở phía sau vượt lên, chiếm đầu cầu, rồi chớp thời cơ, chọc thẳng vào mạng sườn địch. Bị cú đánh bất ngờ, địch thoáng chững lại, đội hình có phần nhốn nháo. Xe tăng ta vừa tiến đến đầu cầu Thị Nghè thì bất ngờ một tốp xe tăng địch từ phí trước xuất hiện, phản công quyết liệt. Đại đội trưởng Lê Tiến Hùng, chỉ huy chiếc xe tăng thứ hai bị thương, buộc phải dừng lại.
Tình thế khá nguy cấp, Bùi Quang Thận lập tức cho xe 843 vượt lên, bắn cháy liền một lúc cả hai xe M.41 và M.113 của địch. Trong xe anh chỉ còn duy nhất 2 viên đạn. Vừa qua khỏi cầu Thị Nghè, anh lại đụng phải 3 chiếc xe tăng địch xông ra đánh chặn. Ngay lúc đó, Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội 4 trên chiếc tăng 390 đã chỉ huy bắn cháy luôn cả 3 chiếc tăng của địch, bọn địch ngồi trên mấy chiếc xe bọc thép gần đấy, thấy thế hoảng hốt nhảy khỏi xe, bỏ chạy tán loạn. Tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch hoàn toàn tan vỡ.
Được sự giúp đỡ chỉ dẫn của nhân dân và biệt động thành, lữ đoàn tăng 203 đã chia làm 2 mũi, hướng theo đường Hồng Thập Tự, tốc thẳng vào Dinh Độc Lập. Lúc 10 giờ 15 phút, chiếc xe tăng 843 của Bùi Quang Thận dẫn đầu đã vượt qua các ổ đề kháng của địch, vượt qua khu Nhà Xanh, vượt qua cả những họng súng đang ngơ ngác của địch, lừng lững tiến thẳng vào cửa Dinh Độc Lập. Khi thấy toà nhà trắng loá hiện ra trước cửa xe, Bùi Quang Thận cho lắp một viên đạn nã thẳng vào Dinh để thị uy. Đạn thối, không nổ. Anh cho nạp viên cuối cùng cũng lại không nổ. Lúc đó một chiếc xe tăng của ta đã húc thẳng vào cánh cổng Dinh Độc Lập. Bùi Quang Thận cho xe lùi ra, húc tiếp vào cánh cổng bên trái của Dinh. Đó là đòn tấn công cuối cùng của chiếc tăng không còn vũ khí. Cũng may cho Bùi Quang Thận và đồng đội trên xe, một người vô danh nào đó trong Dinh đã kịp cắt cầu dao hàng rào điện tử, nếu không, chỉ chạm vào cổng sắt là chiếc xe của anh sẽ bị nổ tung. Phải đến cú húc thứ ba cánh cổng sắt mới chịu đổ sập. Bùi Quang Thận cho xe tốc thẳng vào sân Dinh Độc Lập.
Trước mặt anh, tuyến phòng ngự cuối cùng bảo vệ Dinh của địch với hàng chục chiếc xe tăng, xe bọc thép và rất nhiều súng ống, đạn dược tối tân, còn anh và đồng đội chỉ có hai tay trắng và chiếc xe tăng lổng nhổng vỏ đạn. Bùi Quang Thận giật phắt lá cờ trận mạc cắm trên xe tăng, quay lại bảo lái xe Lữ Văn Hoá, pháo thủ Thái Bá Minh: Các cậu ở lại, mình vào Dinh nhé. Nếu không thấy mình quay ra, cũng không thấy lá cờ này nhô lên, thì tức là mình đã hy sinh ở trong Dinh rồi!
Nói rồi, Bùi Quang Thận xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của kẻ địch. Anh ra lệnh cho Tổng thống Dương Văn Minh cho người dẫn đi căm cờ. Lên tầng thượng anh tự tay hạ lá cờ ba que của địch xuống, treo lá cờ của của Mặt trận giải phóng lên, nhưng cờ của ta bé quá. Đó là cờ hiệu cắm trên nóc xe tăng. Còn cờ địch to, rộng đến mấy chục mét. Khi lá cờ chiến thắng của ta được kéo lên giữa nóc Dinh Độc lập thì ở dưới sân Dinh, xe tăng và quân ta bắt đầu tiến vào. Lúc bấy giờ là 11giờ 30 phút.  Trong khi đó chiếc xe tăng chở lá cờ lớn được chuẩn bị rất kỹ ấy lại đang ở vòng ngoài, phải đánh nhau rất dữ dội ở phía trước không đến kịp. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe tăng, lấy lá cờ giải phóng trên xe của mình cắm lên cột cờ trên nóc dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.
 Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe tăng, lấy lá cờ giải phóng trên xe của mình cắm lên cột cờ trên nóc dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Trong thời khắc hào hùng, trưa ngày 30/04/1975, người được lịch sử lựa "chọn" để cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập chính là Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 cùng lá cờ giải phóng nhỏ bé đã bạc phếch và sờn rách. Trước đó hơn một tháng, khi đang trú quân tại A Lưới, Thừa-Thiên-Huế, Đại đội 4 nhận lệnh lên đường. Trước khi xuất phát, mỗi xe trong đại đội đều được cấp một lá cờ giải phóng. Đó là lá cờ rất nhỏ, kích thước chỉ 60x90 cm, được may bằng loại vải “phin” thông dụng. Đặc biệt, nửa dưới cờ là màu xanh rất nhạt. Tất cả đều được treo lên đốt thứ hai cột ăn-ten đài vô tuyến điện của xe, trước hết là để minh định rõ ràng đây là xe tăng Quân giải phóng để nhân dân và các đơn vị bạn dễ nhận, tránh bắn nhầm nhau.
Trận đánh đầu tiên của Đại đội 4 do Bùi Quang Thận chỉ huy là trận tiến công cứ điểm Núi Bông (Tây Nam Huế) ngày 23/3/1975. Tiếp đó đơn vị đánh xuống Huế, truy kích địch ra Thuận An, rồi vượt Hải Vân tiến công Đà Nẵng, cuối tháng 4/1975 có mặt tại Long Thành, Đồng Nai tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.
Không phụ lòng tin của cấp trên, sáng 29/4/1975 Đại đội 4 đã chọc thủng cánh cửa thép Nước Trong, mở đường cho binh đoàn thọc sâu xung trận. Cũng bởi trận đánh này mà Đại đội 4 được đưa xuống thê đội 2, nghĩa là đi phía sau của đội hình binh đoàn thọc sâu. Nhờ vậy mà đơn vị đã vượt qua những trận kịch chiến từ cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn đến cầu Thị Nghè với thương vong ít nhất để rồi trở thành những người đầu tiên tiếp cận mục tiêu chủ yếu của chiến dịch: Dinh Độc Lập. Đến đích rồi, phải cắm cờ. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận quyết định như vậy! Phía trước kia có tay súng nào đang phục sẵn cũng không cần biết. Không có cờ chuẩn bị sẵn thì tháo ngay lá cờ nhỏ bé trên tháp pháo vậy. Đó chỉ là lá cờ hiệu của một chiếc xe tăng. Lá cờ đó đã cùng chiếc xe tăng của anh trải qua bao trận đánh, rong ruổi hàng nghìn cây số suốt chiều dài đất nước, sau đó lại được cắm lên nóc Dinh Độc Lập để khẳng định với quốc dân đồng bào và bầu bạn thế giới là chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.
Sự thật thì khi vào Dinh Độc lập cũng có rất nhiều người cắm cờ Giải phóng, có người cắm ở tiền sảnh, ở góc nhà, ở rất nhiều nơi xung quanh Dinh Độc Lập và ở ngay cả chính Dinh Độc Lập. Nhưng ai là người cắm lá cờ trận mạc, lá cờ Quyết chiến quyết thắng trên nóc Dinh kia?
Khi khớp vết xé với những nút sắt buộc trên cột cờ, mọi người đã khẳng định chính anh là người đã tháo lá cờ ba que của địch xuống và treo lá cờ Giải phóng của ta lên nóc Dinh Độc lập. Còn anh, khi nào ai hỏi, anh cũng đáp lại rất hồn nhiên: Sự kiện cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập của tôi lịch sử đã ghi nhận. Giây phút ấy thật khó quên trong cuộc đời. Đây là hành động tất yếu của người chiến sĩ ở thời khắc lịch sử thiêng liêng. Bất kỳ ai thời điểm ấy cũng không thể làm khác. Việc làm đó trước hết thuộc về lịch sử dân tộc.
38 năm sau, ngày 30/10/2013 - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho Bùi Quang Thận - người đã cắm lá cờ chiến thắng trên nóc dinh Độc Lập, lúc anh đã qua đời trước đó 2 năm. Còn lá cờ trận mạc của chiếc xe tăng 843 cùng với chiếc chăn “hụt” cũng đã nằm yên trong tủ kính bảo tàng. Tuy nhiên, câu chuyện về anh và câu chuyện về lá cờ trận mạc, lá cờ chiến thắng đã được cắm lên nóc dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 dường như không bao giờ cũ!
Nguồn: congluan.vn

Không có nhận xét nào