Quảng Ninh họp báo vụ chùa Ba Vàng
Sáng 26/3, Chủ tịch TP Uông Bí (Quảng Ninh) nói chính quyền từng nhắc nhở việc "thỉnh vong", nhưng trụ trì chùa Ba Vàng không thừa nhận.
Họp báo thông tin về Chùa Ba Vàng / Zing.vn
Buổi thông tin đến báo chí do UBND thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức dự kiến diễn ra từ 10h ngày 26/3 tại Trung tâm hội nghị thành phố, nhưng 10h45 Chủ tịch TP Uông Bí Nguyễn Mạnh Hà và Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Lê Ngọc Hân mới có mặt. Ông Hà giải thích do nhận thêm chỉ đạo từ cấp trên và phải hoàn tất báo cáo cập nhật tình hình.
Ông Nguyễn Mạnh Hà trả lời tại cuộc gặp gỡ báo chí sáng 26/3. Ảnh: Minh Cương
|
Sư trụ trì chịu trách nhiệm về 'cúng oan gia trái chủ'
Mở đầu buổi gặp, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết chính quyền TP Uông Bí đã làm việc với nhà chùa về các hoạt động "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ". Các hoạt động này diễn ra trong khuôn viên chùa nên sư trụ trì Thích Trúc Thái Minh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Việc quản lý chức sắc Phật giáo thuộc về Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh.
Trong khi chờ Giáo hội Trung ương làm rõ các hoạt động "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ" có phù hợp truyền thống, giáo lý Phật giáo hay không, chính quyền Uông Bí đã có văn bản yêu cầu chùa Ba Vàng dừng việc này vì không có trong danh mục đăng ký. Cơ quan chức năng rà soát hoạt động ở chùa Ba Vàng. Sở Thông tin Truyền thông tỉnh đã yêu cầu dừng hoạt động các trang web của chùa.
TP Uông Bí cũng xác định thân nhân, lai lịch của những người nhà chùa xuất hiện trong video do báo chí đăng tải; tiếp tục kiểm tra tạm trú, tạm vắng với những người đến tu tập để tránh kẻ xấu lợi dụng.
Trước câu hỏi về sự tồn tại các trang web của nhà chùa và bà Phạm Thị Yến (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng chùa Ba Vàng), Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ninh Lê Ngọc Hân cho biết, "web Thích Trúc Thái Minh và Phạm Thị Yến là cá nhân, sử dụng tên miền quốc tế là không đúng, vì chưa khai báo với Bộ Thông tin Truyền thông. Sở đã yêu cầu dừng hoạt động để thực hiện thủ tục theo quy định".
Trang web chùa Ba Vàng là trang điện tử nội bộ, nhưng có dấu hiệu hoạt động như một trang điện tử tổng hợp khi trích đăng nội dung từ một số trang điện tử khác. Sở đã yêu cầu tạm dừng để thực hiện thủ tục đăng ký thành trang thông tin điện tử tổng hợp. Còn nếu không, nhà chùa phải gỡ bỏ thông tin tổng hợp trên web.
Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Lê Ngọc Hân. Ảnh: Minh Cương
|
'Thỉnh vong' diễn ra nhiều năm, vì sao không bị xử lý?
Cách đây 4 năm (ngày 28/8/2015), Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh từng báo cáo cơ quan chức năng về việc chùa Ba Vàng "lợi dụng phật tử tên Yến kêu gọi nhân dân về chùa cúng oan gia trái chủ, bắt ma, thu tiền với số lượng lớn". Tuy nhiên, sự việc không được giải quyết, phải đến khi báo chí phanh phui, tỉnh và thành phố mới vào cuộc.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho hay ngay sau thời điểm đó (năm 2015), TP Uông Bí đã làm việc với trụ trì chùa Ba Vàng và được khẳng định làm đúng môn giới đạo Phật, không "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ".
Về trách nhiệm của chính quyền khi để hoạt động trên kéo dài nhiều năm, ông Hà giải thích nhà chùa không công khai, cố che giấu, kiểm soát rất kỹ người tham gia, như khám người, thu máy ghi âm, ghi hình... Để phát hiện và đủ cơ sở xử lý "rất khó khăn với nhà chức trách". Công an phải có quá trình điều tra mấy tháng, rất công phu.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời của lãnh đạo Uông Bí, báo chí tiếp tục truy vấn trách nhiệm của lực lượng an ninh văn hóa. Ông Nguyễn Mạnh Hà xin phép không trả lời, nhưng khẳng định mọi lực lượng đều có quyền đấu tranh với các sai phạm trong xã hội, ai phát hiện trước đều đáng ghi nhận, biểu dương. "Việc phát hiện sớm hay muộn thì chưa thể đánh giá lỗi tại ai", ông nói.
Bà Phạm Thị Yến sẽ bị phạt 5 triệu đồng
Họp báo vụ chùa Ba Vàng: Phạt hành chính 5 triệu đồng với "Cô Yến" | VTV24
Chủ tịch TP Uông Bí cho hay đã yêu cầu cơ quan chức năng xem xét hoạt động của bà Yến, giao phường Quang Trung ra quyết định xử phạt về hành vi vi phạm nếp sống văn hóa với bà này, mức phạt 5 triệu đồng, theo Nghị định 158. "Mức phạt này, anh em đã xử lý hết khung. Chính quyền đang đi theo hướng, xử lý hành chính trước, xử lý hình sự thì chờ công an điều tra", ông Hà nói. Trước đó nhiều năm, bà Yến đã đăng tải nhiều video trên Facebook cá nhân thuyết giảng về "vong báo oán", khuyến khích phật tử lên chùa giải oán.
Cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ các hành vi của bà Yến như: thông tin trục lợi, hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đăng ký, có hay không hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản? "Chúng tôi đề nghị công an thu thập chứng cứ và thông tin rộng rãi để các bị hại sớm trình báo", ông Hà nói và cho biết thêm chính quyền chưa nhận được thông tin ai bị cưỡng ép phải nộp tiền cúng vong mà đều là tự nguyện.
Đánh giá về những phát ngôn của bà Yến rằng nữ sinh giao gà ở Điện Biên bị sát hại là "ác nghiệp tiền kiếp", các liệt sĩ sinh ra trong chiến tranh loạn lạc bởi "bị quả báo tiền kiếp mắc tội sát sinh", ông Hà nói: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ các phát ngôn xúc phạm anh hùng liệt sĩ và nạn nhân bị sát hại".
Chùa Ba Vàng được xây bằng tiền phật tử và du khách
VnExpress đặt câu hỏi chính quyền đánh giá thế nào về thông tin chùa Ba Vàng do Công ty Tùng Lâm xây dựng, được nhiều quan chức góp vốn? Ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định: "Thông tin chùa Ba Vàng được đầu tư từ công ty Tùng Lâm là không chính xác. Trước đây chùa Ba Vàng là phế tích, sau đó được phật tử, du khách đóng góp xây dựng lại".
Về nghi ngờ khuất tất khi sư Minh được bổ nhiệm trụ trì mà không có bằng trung cấp, sơ cấp Học viện Phật giáo, ông Hà nói việc này là trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo và chính quyền không có ý kiến.
Khi báo chí đặt câu hỏi về khoản tiền công đức của phật tử vào chùa Ba Vàng, lãnh đạo TP Uông Bí không có câu trả lời cụ thể, chỉ nói đang từng bước thực hiện và mong muốn có cơ chế công khai, minh bạch tiền công đức để phật tử và nhân dân yên tâm. Các hoạt động tài chính của chùa được công khai sẽ ngăn chặn việc trục lợi từ niềm tin tôn giáo.
Sau một tiếng rưỡi trao đổi, buổi họp kết thúc lúc 12h10.
Chùa Ba Vàng (còn gọi là Bảo Quang Tự) tọa lạc trên lưng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung (TP Uông Bí, Quảng Ninh). Năm 2007, khi đại đức Thích Trúc Thái Minh về trụ trì, chùa được xây dựng lại bằng tiền công đức và được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam (4.500 m2).
Theo đại đức Thích Đạo Hiển, Phó ban trị sự giáo hội Phật giáo Quảng Ninh, hoạt động tuyên truyền "vong báo oán, oan gia trái chủ" của bà Phạm Thị Yến, Chủ nhiệm câu lạc bộ Cúc Vàng chùa Ba Vàng, thực hiện tại chùa suốt 10 năm, rầm rộ nhất khoảng 5 năm nay. Giáo hội tỉnh đã nhiều lần nhắc nhở trụ trì Thích Trúc Thái Minh và cá nhân bà Yến, nhưng không ai nghe.
Cổng Tam Quan Trung của chùa Ba Vàng. Ảnh: Minh Cương
|
Một ngày sau khi có phản ánh của báo chí rằng chùa Ba Vàng tổ chức lễ "oan gia trái chủ", thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, ngày 21/3 Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu tỉnh Quảng Ninh làm rõ sự việc; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị địa phương chấn chỉnh việc thuyết giảng "vong báo oán" tại cơ sở này.
Tối cùng ngày, đại đức Thích Trúc Thái Minh tổ chức buổi nói chuyện trước hàng trăm phật tử, phát trực tiếp trên Facebook. Ông quả quyết "vong đi theo con người báo thù rất nhiều, khiến con người bị bệnh tật, vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn..., vì vậy cần có pháp thỉnh oan gia trái chủ để thỉnh nó ra". Các phật tử tham gia là tự nguyện, việc đóng tiền làm lễ không phải do nhà chùa yêu cầu mà "theo đề nghị của vong".
Nguồn: Vnexpress.net
Không có nhận xét nào