MKRdezign

TIN MỚI

Kiên trì và quyết liệt thực hiện các giải pháp khống chế, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn Châu Phi, sáng 18/3, đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã chủ trì hội nghị bàn giải pháp ứng phó, ngăn chặn với bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang diễn ra phức tạp tại Thanh Hoá, cần phải tập trung nguồn lực và nâng cao ý thức để phòng dịch.

Từ ngày 23/02/2019 đến 12h ngày 17/3/2019, trên địa bàn tỉnh, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra tại 28 hộ của 17 thôn thuộc 13 xã của 3 địa phương, là: Yên Định, Thiệu Hoá và thành phố Thanh Hoá; buộc phải tiêu huỷ 1.230 con lợn, tổng trọng lượng gần 63 tấn. Ngay khi phát sinh ổ dịch đầu tiên, ngành Nông nghiệp và địa phương đã thực hiện các biện pháp khoanh vùng, khống chế, tổ chức tiêu huỷ và thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng. Tuy nhiên, bệnh dịch tả lợn Châu Phi là bệnh dịch nguy hiểm, chưa có vacine phòng và chống, nên tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đe doạ trực tiếp đến ngành chăn nuôi của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn lây nhiễm của bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại Thanh Hoá đang được xác minh, làm rõ để tìm ra đường lây truyền chính, để có các biện pháp cắt đứt lây truyền.
Ngay sau khi phát sinh ổ dịch đầu tiên tại Thanh Hoá, nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh này, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện nhiều biện pháp để chống dịch, như: tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; kiên quyết, kịp thời tiêu huỷ toàn bộ số lợn của các hộ chăn nuôi có dịch bệnh; thực hiện triệt để công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; thành lập các chốt kiểm soát dịch, hoạt động 24/24…
Tuy nhiên, do đây là bệnh dịch nguy hiểm, chưa có vacine phòng và chữa, nên việc ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, như: hình thức chăn nuôi lợn nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, mật độ chăn nuôi cao; hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật khó kiểm soát; vật tư, hoá chất và nhân lực phòng chống dịch vẫn còn mỏng, thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong các thời điểm cụ thể.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, như: đề xuất áp dụng mức hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu huỷ bằng 80% giá thị trường; riêng đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, mức hỗ trợ bằng 1,65 lần của 80% giá thị trường lợn thịt; hỗ trợ tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn; kiểm soát chặt việc giết mổ lợn; tăng cường chăn nuôi an toàn sinh học; quản lý chặt việc sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thức ăn gia súc.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết: bệnh dịch tả lợn Châu Phi chỉ gây bệnh ở lợn, không lây sang người. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ và được nấu chín. Virus bệnh dịch tả lợn Châu Phi sẽ bị tiêu diệt hoàn toàn ở 70oC.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo: người chăn nuôi cần cam kết và thực hiện 5 không: “không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt”.
Nguồn: truyenhinhthanhhoa.vn

Không có nhận xét nào