"Em có phải là Thúy, vợ Tài không? Em phải bình tĩnh nghe tiếp nhé...".
Cô giáo Thúy nhận cuộc điện thoại vào ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Chị đang nấu cơm trưa, nghĩ về buổi chiều, khi anh Tài đánh án xong sẽ cùng đưa hai cậu con trai đi chơi.
"Giây phút ấy, mình đã nghĩ đến chuyện tồi tệ nhất trong cuộc đời, là anh hy sinh", chị Thúy bây giờ, ngồi bóp chân cho chồng trong phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện 108 kể lại. Mười một năm làm vợ bộ đội, ba năm anh Tài vào Đội phòng chống ma túy của Biên phòng tỉnh Nghệ An rèn cho chị một phản xạ, sẵn sàng đón nhận một tin tức xấu nhất về chồng.
Chị chỉ nhớ rằng mình quơ được một bộ quần áo, gọi điện báo cho người thân, rồi leo lên xe từ Thanh Chương ra thành phố Vinh. Đến nơi, thấy đồng đội anh tập trung ngoài hành lang, mặt ai cũng căng thẳng. Thúy òa khóc.
Ngay trong đêm, trung úy Tài được chuyển ra Viện 108 ngoài Hà Nội. Bốn tháng nằm viện, đôi chân người trinh sát biên phòng bắt đầu teo nhỏ đi. Anh bị vỡ một đốt sống lưng, tổn thương tủy sống, khả năng đi lại còn rất thấp.
"Tay ni bây chừ to hơn chân rồi", thượng úy Tài gồng mình, vỗ vào cánh tay chắc nịch của người lính. Đôi tay bao lần quật ngã đối tượng vận chuyển ma túy giờ gắng gồng bám vào thanh sắt đầu giường để cố nâng mình lên tập vận động. Đôi chân duỗi thẳng trên giường vẫn gần như bất động.
Những cơn gió lạnh đầu mùa kèm mưa làm anh cũng ngủ chập chờn. Từ thắt lưng trở xuống đến bắp chân đau âm ỉ, thi thoảng co rút. Vết thương sâu hoắm như người đào hai cái rãnh hình chữ thập trên lưng anh. Nhiều đêm chị Thúy cũng không ngủ, chỉ ngồi bóp chân cho chồng. Nghe anh thở rít, chị bảo chồng khóc đi cũng được. Nhưng anh đáp lại khóc rồi con nít biết nó cười cho.
Nhiều năm sau này, chủ tịch xã Pà Cò, Sùng A Màng vẫn bần thần khi nhớ lại buổi chiều em trai hy sinh. Thiếu úy Sùng A Trư cùng hai đồng đội bị kẻ trốn lệnh truy nã đặc biệt, Vàng A Khua, bắn chết ngày 5/2/2010. Khi ấy, mận đã trắng hoa, đào rừng chớm nụ, người Mông ở Pà Cò treo thịt trâu, chuẩn bị mổ lợn ăn Tết.
Nhận được tin Khua có mặt tại nhà ở bản Hang Kia 1, hàng chục cảnh sát đã tổ chức truy bắt. Khua dùng súng chống trả, còn dùng người thân trong gia đình làm bình phong đối phó cảnh sát.
Nghe thuyết phục, con trai Khua là Vàng A Của tự nguyện ra khỏi nhà sau một ngày cố thủ. Khi Của vừa bước ra và cảnh sát tiếp cận, Khua đã dùng súng AK bắn xối xả. Đường đạn điên cuồng của Khua khiến 3 công an huyện thiệt mạng, nhiều chiến sĩ khác bị thương. Con trai Khua cũng chết trong loạt đạn ấy.
Những anh em, họ hàng của Khua kích động dân bản bao vây, chống trả công an, không cho vào lấy xác thiếu úy Trư. Chủ tịch Màng cùng người cha đích thân xin vào, lấy lý lẽ mình cũng là người Mông mới được họ cho đưa xác em về mai táng.
Anh Màng thương em ra đi không kịp trăng trối gì. Khi lìa đời, người chiến sĩ ấy còn chưa biết mình đã được làm cha.
Trên vách gỗ nhà ông trưởng bản Xốp Mạt, Lương Văn Tao, treo hai tấm giấy khen của UBND huyện Tương Dương, "Về thành tích xuất sắc trong thực hiện kế hoạch xóa địa bàn về ma túy tại xã Lượng Minh". Tờ giấy đã ố màu, không còn nhìn rõ tên người nhận nhưng được bọc gỗ trang trọng, treo ở hàng đầu cao nhất. Sáu năm làm trưởng bản, ông tự hào nhất về hai tấm giấy khen này.
May Nguyệt bắc ghế cạnh bàn thờ, gỡ tấm ảnh duy nhất của mẹ trong nhà xuống. Trong ảnh là thiếu nữ để tóc mái, rẽ ngôi giữa, mặc chiếc quần ống loe mốt của một thời. Tấm ảnh kỷ niệm duy nhất mà chị Lương Hương chụp năm 14 tuổi.
Chị Hương là con gái thứ ba của ông Tao, lây HIV từ người chồng nghiện, chết sau chồng 6 năm. Con rể thứ của ông cũng đang đi tù vì buôn ma túy. Chị vợ bỏ đi công ty, cả năm không gọi điện về một lần. "Tao là trưởng bản mà cũng không nói được chúng nó". Ông Tao buồn quá, xin nghỉ luôn chức trưởng bản, dựa vào mấy gốc sắn, nuôi ba đứa cháu mồ côi.
Tan học về lúc mặt trời đã đứng bóng, Nguyệt cất cái cặp rồi ra vườn hái rau nấu cơm. "Nấu cơm bằng củi thì phải dùng đũa cả đảo đều tay để gạo không bị bén ở đáy nồi. Luộc rau cho ít muối trắng, xong mở vung để rau xanh, không bị vàng". May Nguyệt mở vung, tay đảo đều nồi cơm đang sôi lục bục, vừa thao thao những điều mẹ dạy trước khi qua đời.
"Chỉ có may vá là em chưa biết làm. Mẹ chưa kịp dạy", Nguyệt day day gấu chiếc áo trắng đồng phục đã ngả màu. Áo bà mua cho cháu gái vào lớp Năm đã ngắn ngang cạp quần, trở nên chật chội với thiếu nữ mỗi ngày một phổng phao. Mỗi khi con bé rướn người lên, nách áo căng ra lại rách thêm một tí.
Ở trường PTDT bán trú THCS Lượng Minh, cứ 9 học sinh lại có một em như Nguyệt, thiếu cha, thiếu mẹ vì ma túy. Những cô học trò sống ở thủ phủ ma túy một thời đã tự quyết định điểm đến xa hơn cho mình hai năm tới: học hết cấp 2 rồi nghỉ, đi công ty như các chị gái lớn trong bản, hoặc đi Trung Quốc như mẹ, như dì.
Ở bên kia dòng Nậm Nơn, nơi bản Đửa, cô thiếu nữ Lô Thị Dung đã có một hướng đi khác cho mình: đi lấy chồng. Chồng Dung nghiện, bố chồng Dung cũng nghiện, Dung biết mà vẫn lấy. "Không lấy người nghiện thì biết lấy ai? Lấy người làng khác không nghiện về đây cũng thành nghiện", cô gái tuổi đôi mươi chấp nhận số mệnh và coi đó là một sự an bài. Ở đất này, người ta nói với nhau: con gái không lấy chồng nghiện thì không có chồng. Con trai không lấy vợ đi Trung Quốc thì ế vợ.
"Mà nhà mình cũng có tốt đẹp hơn đâu". Anh trai Dung nghiện từ năm 15 tuổi, mấy năm sau, bố Dung cũng bị bắt vì xách hàng. Ông từng làm trưởng bản, kiêm Bí thư chi bộ. Nhà Dung từng là cái nhà to đẹp, nhiều trâu bò nhất bản này. Tất cả đều đã bị "cơn bão ma túy" quét đi.
Chủ tịch xã Lượng Minh, Vi Đình Phúc thừa nhận, ma túy đã làm nguồn lao động chính của địa phương này giảm sút khoảng một nửa khi người nghiện, đi tù chủ yếu là thanh niên. 50% còn lại đi công ty ở các tỉnh phía Bắc, vào tận trong Nam hoặc đi Trung Quốc. Ông bảo, "có lẽ, cái được nhất là mấy năm qua chưa phát hiện thêm ông trùm ma túy nào".
Cuộc chiến chống ma túy toàn cầu có thể được tiến hành từ chính sinh kế của mỗi người dân miền núi. Liên Hợp Quốc đã triển khai phương cách này từ lâu, nhưng tập trung cho việc giải quyết sinh kế cho các vùng nghèo hơn, là các bản phía bên kia biên giới Lào.
Người ta lác đác thấy những chiếc xe tour, một hai người khách Tây đi trekking dọc những con đường của Pà Cò - mà mới gần đây thôi - Lầu Y Dố còn địu con đưa 18.000 viên ma túy tổng hợp xuống xuôi. Đâm xuyên vào Tà Dê, là một con đường bê tông mới đang thi công, với 80 tỷ đồng ngân sách từ chính phủ. Tà Dê chờ những chuyến xe khác, không phải xe bọc thép Shinjeong S5.
Thung lũng đỏ màu hoa dong của Lóng Luông - Pà Cò, sau làn khói súng tan đi, tạm bình yên chờ mùa hoa mận trắng. Chưa có bình yên vĩnh hằng: vẫn có hàng chục kẻ trốn truy nã quẩn quanh trong những tán rừng, hay thậm chí thản nhiên thăm nom và sinh sống tại nhà, giữa Tà Dê. Cán bộ địa phương nơi này, qua bao nhiêu cuộc truy quét suốt từ những năm 2000, đã quen với cuộc bình yên ngắn ngày, tâm sự rằng họ nhìn thấy viễn cảnh quá khứ lặp lại.
Trong hơn một thập kỷ, Pà Cò - Hang Kia - Lóng Luông hay Tương Dương đã hình thành những trạm trung chuyển cho một ngành logistic quy mô toàn cầu có lợi nhuận hàng tỷ USD mỗi năm. Sức công phá của dòng chảy đầy quyền lực này, không thể được giải quyết theo các nghị quyết phát triển kinh tế vùng 3 thông thường.
Giàng A Là không biết tự thắt khăn quàng đỏ. Chiếc khăn trên cổ nó buộc thắt nút. Nhưng Là cứ đeo khăn quàng đỏ từ sáng tới chiều, thành món phụ kiện đáng giá nhất trên bộ trang phục và gương mặt đầy đất cát.
Sáu giờ chiều, cửa nhà vẫn đóng. Người lớn đã bị tử hình, đã nghiện hay bỏ đi làm xa, cậu bé đeo khăn quàng đỏ giơ ná bắn chim với các em trước sân. Không ai, kể cả trưởng bản, biết tối nay ai cho chúng ăn cơm.
Nguồn: Vnexpress.net
Phía sau những "Cung đường ma túy xuyên quốc gia" Phần 4: Nơi Làn Khói Đi Qua
Reviewed by Mái Đình Làng Biển
on
15 tháng 11
Rating: 5
Không có nhận xét nào