3 con lăn biến cậu bé ngây dại thành kỷ lục gia Việt Nam
Nhìn cậu bé tự tin tung bóng điêu luyện trước hàng trăm người, ít ai biết đến 7 tuổi, Khánh Hưng vẫn không nói, chỉ la hét đập phá.
5 năm trước, trong một căn nhà xập xệ tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, người qua lại ai cũng thấy cậu bé Nguyễn Đình Khánh Hưng (3 tuổi) ngồi đờ đẫn nhìn ra ngoài đường như ngây, như dại. Hết ngồi nhìn xe, cậu lại tìm đến tivi nhiều giờ liền, không một ai nhắc nhở.
Một tháng tính từ lúc bắt đầu luyện tập, Khánh Hưng đã có thể đứng trên 3 con lăn, trong khi các bạn khác phải mất ít nhất 6 tháng trời. Ảnh: Trọng Nghĩa.
|
Hơn 3 tuổi, Hưng chỉ nói được một chữ ''ôtô'', thế nhưng gia đình vẫn nghĩ là bình thường, cho con đến trường mẫu giáo với hi vọng tiếp xúc với bạn bè sẽ giúp cậu hoạt bát hơn. Ai ngờ chỉ ít bữa, cô giáo nói riêng với chị Hoàng Thị Năm (35 tuổi) - mẹ của Hưng - về những biểu hiện bất thường của cậu như thường xuyên cầm bút chì đâm bạn, không nói thành câu mà chỉ ú ớ trong miệng, không chịu ăn bất cứ thứ gì ngoài uống sữa.
Anh Nguyễn Đình Quân (37 tuổi) khi nghe vợ kể về con trai cho rằng vợ nói linh tinh, nhất quyết không cho con đi khám.
"Tôi chỉ biết im lặng một mình đưa con đi Bệnh viện Nhi trung ương thì được chẩn đoán mắc hội chứng tự kỷ. Trước đó tôi nuông chiều con, muốn ăn gì tôi cho ăn nấy, con muốn xem TV cả ngày tôi cũng để vậy, sau này mới thấy mình quá sai lầm'', chị Năm tâm sự.
Điều kiện kinh tế eo hẹp, chị Năm vẫn đưa con đến học tại một lớp học dành riêng cho trẻ tự kỷ, nhưng gần 4 năm vẫn không có nhiều khả quan. Khánh Hưng hơn 6 tuổi vẫn chưa biết nói, ngôn ngữ của cậu chỉ là nghiến răng và đập đồ đạc, thường xuyên cáu gắt với bố mẹ và ông bà.
Cách đây một năm, Hưng còn phải học từ cách mở khẩu hình để phát âm. Ảnh: NVCC.
|
Khi Hưng 7 tuổi, chị Năm đưa con đến trung tâm huấn luyện trẻ tự kỷ của tiến sĩ Phan Quốc Việt tại xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên, Hà Nội) vì nghe đến phương pháp mới. Ở đây, người học và người huấn luyện cùng nhau tập các nội dung xiếc như đạp xe một bánh, đứng thăng bằng trên con lăn... Bên cạnh đó, tất cả đều ở lại trường 24/24 giờ, tách biệt hoàn toàn khỏi gia đình và công nghệ.
'Ngày đầu mới đến, các thầy cô ngỡ ngàng phát hiện trong suốt 7 năm từ khi sinh ra, Hưng không ăn cơm, ăn rau hay thịt cá. Khi đút cơm, em phì hết cơm vào mặt thầy cô rồi giơ tay đánh, chân đạp. Nói chung ngôn ngữ của cậu bé chỉ là la hét và đập phá'', tiến sĩ Việt kể lại.
Để phù hợp với sở thích, Hưng được tập ăn cơm trộn sữa. Sau 5 ngày, các thầy cô tập cho cậu ăn được những thìa cơm đầu tiên.
Khánh Hưng lúc này không nói, thậm chí cơ miệng của cậu cũng hiếm khi hoạt động nên cứng đơ, không thể mở rộng khẩu hình. Các huấn luyện viên đã phải dùng tay để chỉnh miệng của Hưng trong hơn 2 tháng để cậu có thể phát âm với các bài tập cơ bản. Như bài tập mang tên "Chào hỏi", Hưng phải nói những từ đơn giản như "xuất sắc", "bạn là giỏi nhất" một cách to rõ khi đi ngang qua bất kì ai. Sau đó tập đọc khẩu hiệu khi ăn và tập thể dục với những mẫu câu dài hơn. 4 tháng sau, Hưng đã có thể hát karaoke cùng mọi người.
Chỉ sau 10 tháng, cậu bé tự kỷ Khánh Hưng đã hòa nhập với cộng đồng.
Lúc trước, tay chân Hưng hay cào gãi lung tung và không bao giờ chịu ngồi yên, các thầy cô thường cho Hưng cầm 2 chai nước để em tập trung. Sau đó là những bài tập như đội chai, tung bóng, đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp một bánh.
"Thật ngạc nhiên khi chỉ trong vòng một tháng, Hưng đã có thể đứng trên 3 con lăn, trong khi các bạn khác phải mất ít nhất 6 tháng'', huấn luyện viên Phạm Thị Trang chia sẻ.
Tập luyện không ngừng, những con lăn bằng thép nhiều lần đè lên chân, khiến cậu bị chấn thương, có lần phải nghỉ một tuần. Hay lúc không thể tập trung, cậu khóc và tìm chỗ trốn. Sau quá trình động viên của các huấn luyện viên, cuối cùng Hưng cũng không còn sợ hãi khi thực hiện những tiết mục khó.
Tự giác ăn cơm là một trong những thay đổi lớn nhất trong đời của cậu bé 8 tuổi. Ảnh: Trọng Nghĩa.
|
Tháng 5/2017, sau 3 tháng vào trung tâm, Hưng được thầy Việt đăng ký dự thi Kỷ lục Việt Nam. Cậu thực hiện thành công tiết mục xiếc "Đội chai đứng trên 3 con lăn" trong 15 phút và trở thành người nhỏ tuổi nhất thực hiện màn trình diễn này (7 tuổi).
Thể chất thì như vậy, nhưng mãi đến tháng 4 năm nay, cậu bé mới có thể nói tròn vành rõ chữ. Giờ đây, cậu có thể rành mạch kể lại: ''Những ngày đầu đứng lên con lăn, con thấy cao nên sợ mình ngã thì người ta cười, nhưng thấy các bạn làm được, thích quá, nên con cũng cố gắng tập theo".
Lý giải về tiến bộ vượt bậc của cậu, tiến sĩ Phan Quốc Việt chia sẻ: "Trước hết phải hiểu rằng, phổ tự kỷ rất rộng, khoảng 40% trong số đó đều có trí tuệ vượt trội, và Hưng là một trong số đó. Nhưng vấn đề là người dạy dỗ phải biết được điểm mạnh đó và tìm cách phát huy tối đa. Dù ban đầu Hưng không biết nói, không biết đọc, nhưng em ấy có khả năng vận động tốt. Khi thấy một huấn luyện viên đứng trên con lăn và tung bóng, em thấy thích và nhất quyết học hỏi, chỉ một tháng, Hưng đã tập trung và làm được".
Sau khi Hưng được vinh danh kỷ lục gia, tiến sĩ Việt và các trợ lý đưa cậu đi nhiều nơi, về cả các trường nông thôn, vùng núi Thái Nguyên, Bắc Giang... để biểu diễn và tạo động lực cho các bạn học sinh.
Cũng trong thời gian đó, bố mẹ Hưng xảy ra mâu thuẫn, mỗi người một nơi, hiếm khi đến gặp cậu. ''Con biết nhiều bạn khi về nhà là hành hạ, ăn vạ, làm nũng bố mẹ, còn con bây giờ không có nhà để về. Con chỉ biết tập luyện tốt để làm các thầy cô và bố mẹ tự hào'', cậu bé rớm nước mắt tâm sự.
Không còn ngồi đờ đẫn dán mắt vào tivi, Khánh Hưng hàng ngày thức dậy vào 5 giờ sáng cùng các bạn và thầy cô tập thể dục. Một ngày 12 tiếng dành riêng cho luyện tập, Hưng không để bất cứ thầy cô nào nhắc nhở. "Con ước mơ làm ra một công ty sản xuất con quay cho tất cả trẻ em trên thế giới, có cả khu vực thi đấu, chắc chắn con sẽ làm được!'', Hưng thỏ thẻ.
Nói về hiện tượng Khánh Hưng, chị Cao Thu Hằng, một giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại Hà Nội, cho biết: Quan điểm của tôi đã là trẻ tự kỷ thì cần rất nhiều thời gian chăm sóc, dạy dỗ, hướng dẫn, không thể có phép màu. Tuy nhiên trẻ bị nhẹ, được can thiệp sớm, bài bản, đúng cách thì sẽ tiến bộ nhiều và hoà nhập được với cộng đồng, nhưng chắc chắn vẫn còn những nét tự kỷ riêng biệt. Trong rất rất nhiều trẻ tự kỷ cũng chỉ có 1,2 bạn đạt được kỷ lục như Khánh Hưng, nên phụ huynh khác đừng lầm tưởng con mình cũng sẽ được như vậy, mà hãy quan tâm trẻ một cách đúng đắn nhất, có khoa học nhất.
Tiến sĩ Howard Gardner - nhà tâm lý học kiêm giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Harvard, đã nghiên cứu và đưa ra một lý thuyết về "Đa trí tuệ" - bao gồm 8 loại trí tuệ khác nhau (như Ngôn ngữ, Âm nhạc, Vận động, Toán học...). Và mỗi người đều có ít nhất sự pha trộn độc đáo của 2 loại cho đến nhiều hơn giữa các dạng trí tuệ này. Tiến sĩ Việt cho rằng Khánh Hưng thuộc dạng thông minh vận động và ngôn ngữ.
Nguồn:Vnexpress.net
Không có nhận xét nào