Cảnh giác với thủ đoạn xuyên tạc việc bầu Chủ tịch nước
Theo chương trình kỳ họp thứ 6 được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin với báo chí, Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu kín bầu Chủ tịch nước vào sáng 23-10, kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố chiều cùng ngày. Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, Trung ương đã giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Liên quan nội dung này, thời gian qua, đã có rất nhiều ý kiến bàn luận, cả trong nước và ngoài nước. Đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều bày tỏ sự đồng tình cao với việc Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước và cho rằng đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và hợp lòng dân. Bên cạnh đa số các ý kiến đồng thuận, có một số ý kiến lạc lõng, thiển cận, sai lệch về vấn đề, một số quan điểm có tính quy chụp, xuyên tạc, cố tình tạo dư luận nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Nhân danh là những nhà biên khảo, nhà nghiên cứu, chuyên gia cao cấp, luật sư…, thông qua các trang mạng xã hội, Internet, họ cho rằng đây là việc “nhất thể hóa”, một sự “sao chép”, “rập khuôn”, “một bản sao không hoàn chỉnh” mô hình tổ chức nhà nước của Trung Quốc. Thậm chí, họ còn nói rằng, thực chất đó là việc “củng cố quyền lực”, “thâu tóm quyền lực cá nhân”, “không có ý nghĩa cho đất nước”...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước |
Thực tế, mô hình người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước là điều hết sức tự nhiên trong đời sống chính trị của nhiều quốc gia trên thế giới. Trước đây, ở Liên Xô, các Tổng Bí thư đều là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hoặc Chủ tịch Xô-viết tối cao. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, từ năm 1993 đến nay Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đều đồng thời là Chủ tịch nước.
Cộng hòa dân chủ nhân Lào thực hiện mô hình này từ năm 2006 đến nay. Ở Cuba, từ năm 1976 đến tháng 4-2018, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Cuba cũng đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Samdech Hun Sen, vừa là Chủ tịch Đảng nhân dân Campuchia vừa là Thủ tướng Chính phủ Campuchia.
Ngay ở các nước có thể chế chính trị khác Việt Nam, tổng thống hay thủ tướng cũng đều là người đứng đầu đảng cầm quyền. Ở Việt Nam, từ Đại hội lần thứ hai của Đảng (tháng 2-1951) đến năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, đồng thời là Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Như vậy, có thể nói, nước ta đã có truyền thống và kinh nghiệm về mô hình người đứng đầu của Đảng đồng thời là Chủ tịch nước.
Trong công cuộc đổi mới đất nước, chủ trương thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền các cấp đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ đạo thực hiện thí điểm ở tỉnh Quảng Ninh và một số địa phương khác trong nhiều năm qua.
Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” có các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, trong đó có nội dung thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch hội đồng nhân dân hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân ở những nơi có điều kiện.
Vì vậy, việc giới thiệu để Quốc hội bầu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước là điều hết sức bình thường, phù hợp với lịch sử truyền thống của dân tộc và xu thế chung của thời đại. Đây hoàn toàn không phải là sự “sao chép” hay “rập khuôn” mô hình tổ chức của bất cứ quốc gia nào.
Nước ta từng có tiền lệ người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời giữ chức Chủ tịch nước. Hiện nay, dù là giải pháp tình huống, nhưng việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ tạo tiền đề để đẩy nhanh việc thực hiện chủ trương Bí thư cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền các cấp đã được nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Khi người đứng đầu cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền thì việc phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội từ Đảng tới chính quyền sẽ nhanh chóng, thuận lợi và kịp thời hơn.
Mặt khác, khi tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, biên chế sẽ được tinh giản, từ đó giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước do phải trả lương cho công chức, viên chức; khắc phục được tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; tạo sự thống nhất giữa cơ quan của Đảng và chính quyền khi thực hiện các công việc.
Có thể khẳng định, việc thực hiện mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là người đứng đầu chính quyền sẽ có nhiều ưu điểm, mang lại lợi ích nhiều mặt cho đất nước.
Vấn đề được nhiều người quan tâm là khi một người đồng thời giữ hai chức vụ cao nhất của Đảng và Nhà nước thì kiểm soát quyền lực như thế nào? Việc kiểm soát quyền lực đã được Đảng ta nêu ra từ lâu, với chủ trương thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với những người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc: Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn.
Chúng ta kiểm soát quyền lực bằng những quy định của Hiến pháp, pháp luật và các quy định của Đảng, bằng hoạt động của các cơ quan dân cử, cơ quan kiểm tra và thanh tra của Đảng và Nhà nước, sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều quan trọng nhất trong kiểm soát quyền lực là phải lựa chọn được nhà lãnh đạo có đủ tài năng, đức độ, trách nhiệm và uy tín chính trị, thật sự vì dân, vì nước.
Sau khi Trung ương thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đều bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ rất cao và cho rằng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết của người đứng đầu Đảng và Nhà nước.
Những gì mà Tổng Bí thư làm được thời gian qua đã để lại trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân hình ảnh một người lãnh đạo đầy tâm huyết, bản lĩnh, nói đi đôi với làm và luôn đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân lên trên hết. Nhân dân tin tưởng rằng, với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng sẽ có đầy đủ điều kiện để phát huy tốt nhất quyền hạn và trách nhiệm được giao, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân tốt hơn nữa.
Ngay cả những người có quan điểm trung lập và một số nhà nghiên cứu nước ngoài cũng cho rằng, “hiện tại không ai khác phù hợp hơn ông Nguyễn Phú Trọng để đảm nhiệm đồng thời cả hai vị trí đứng đầu đất nước”. Đó là sự đánh giá chính xác, khách quan, khi chứng kiến những kết quả mà đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã làm được thời gian qua, với cương vị là người đứng đầu của Đảng.
Đây là nguyện vọng của hơn 96 triệu nhân dân Việt Nam tin tưởng trao gửi cho đồng chí Nguyễn Phú Trọng, một con người có đủ phẩm chất và năng lực, kinh nghiệm và trí tuệ, bản lĩnh và uy tín, có tâm và có tầm để lãnh đạo công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển và thịnh vượng.
Những luận điệu cho rằng đó là việc “củng cố quyền lực” hay “thâu tóm quyền lực cá nhân” chỉ là một chiêu trò của một số cá nhân chống phá nhằm bôi nhọ danh dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hạ thấp uy tín của Đảng. Một khi toàn Đảng đã thống nhất, lòng dân đã thuận thì không một thế lực nào, một thủ đoạn nào có thể làm thay đổi được ý chí và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
Nguồn: cand.com.vn
Nguồn: cand.com.vn
Không có nhận xét nào