Không đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về dịch bệnh COVID-19 trên mạng xã hội
Việc đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, chia sẻ các văn bản phục vụ quá trình điều tra, truy vết, chưa được phép công khai trên các trang mạng xã hội không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, mà còn vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh; trái với nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 4191/BYT-TTKT ngày 21-5-2021.
Thời gian qua, lợi dụng những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các tổ chức, cá nhân, trong đó có một số cán bộ, công chức, viên chức đã đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, chia sẻ các văn bản trao đổi thông tin, văn bản của cơ quan quản lý nhà nước các cấp phục vụ quá trình điều tra, truy vết, chưa được phép công khai trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang trong Nhân dân mà còn vi phạm Luật Khám bệnh, chữa bệnh; trái với nội dung chỉ đạo của Bộ Y tế tại Công văn số 4191/BYT-TTKT ngày 21-5-2021 về việc “phối hợp điều chỉnh công tác cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống dịch COVID-19”.
Nhằm tăng cường thông tin về công tác phòng, chống dịch; chấn chỉnh việc đăng tải, chia sẻ thông tin trên các trang, nhóm mạng xã hội, ngày 7-9-2021 Sở Thông tin và Truyền thông đã có công văn đề nghị các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường cung cấp thông tin về công tác chỉ đạo, điều hành của ngành, địa phương về phòng, chống dịch COVID-19 trên trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13-6-2011 của Chính phủ và hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông tại Văn bản số 1508/STTTT-BCXB ngày 2-7-2021 về thực hiện công tác phát ngôn, cung cấp và xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí.
Tăng cường thông tin trên các trang fanpage của đơn vị các thông tin chính thống, tích cực, thông điệp ý nghĩa, những câu chuyện nhân văn trong cuộc sống. Phản bác các thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh liên quan đơn vị, địa bàn quản lý và các chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh. Chỉ đạo quản trị viên, người kiểm duyệt các trang, nhóm mạng xã hội của đơn vị thực hiện rà soát, chấn chỉnh tình trạng bình luận sai sự thật, tiêu cực, gây dư luận trái chiều về dịch bệnh và công tác về phòng, chống dịch COVID-19.
Quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện đúng Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; không khai thác, chia sẻ, phát tán các thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị về công tác phòng chống dịch COVID-19; thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên mạng xã hội.
Các cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng nội dung, đa dạng hình thức hoạt động thông tin, tuyên truyền; chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trên các loại hình truyền thông mới, mạng xã hội; lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn, nhân ái, vì cộng đồng, các chế độ, chính sách hỗ trợ, khắc phục khó khăn do dịch bệnh. Biểu dương các lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19; tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, làm nổi bật mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết. Đấu tranh, phản bác các hiện tượng, hành vi lợi dụng mạng xã hội thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Quán triệt phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên chấp hành nghiêm kỷ luật thông tin về phòng chống dịch COVID-19, các quy định của pháp luật về báo chí; Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam; Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo; Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, cẩn trọng trong thông tin, phát ngôn trên mạng xã hội, đặc biệt đối với những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh gây hoang mang trong Nhân dân, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng chống dịch.
Không có nhận xét nào