MKRdezign

TIN MỚI

Thứ trưởng Lê Quý Vương chỉ ra lỗ hổng pháp lý vụ “cưỡng hôn” phạt 200 nghìn

Thứ trưởng Lê Quý Vương khẳng định vụ việc này có dấu hiệu của hành vi dâm ô, tuy nhiên nạn nhân đã 20 tuổi, không thuộc diện điều chỉnh của luật hiện hành.

Tại phiên họp sáng 19-4, đề cập đến vụ việc ông Đỗ Mạnh Hùng có hành vi dùng vũ lực, dùng tay giữ má nạn nhân để ép hôn trái ý muốn trong thang máy một Chung cư tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, báo cáo tổng hợp của Uỷ ban Tư pháp (UBTP) cho biết: Công an quận Thanh Xuân áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013NĐ-CP của Chính phủ xử phạt người vi phạm về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác” với mức phạt là 200.000 đồng.

Phạt theo Điều 5 Nghị định 167 có khiên cưỡng?

Tuy nhiên cử tri phản ánh, với hành vi nêu trên mà áp dụng quy định của Điều 5 Nghị định 167 là khiên cưỡng, không chính xác. “Hành vi dùng vũ lực, dùng tay giữ má nạn nhân để ép hôn trái ý muốn thực chất là hành vi xâm hại tình dục, xâm hại đến thân thể của nạn nhân, không phải là “cử chỉ”. Mức xử phạt 200.000 đồng không có tính răn đe, gây bức xúc dư luận” – Uỷ viên Thường trực UBTP Nguyễn Thị Thuỷ phân tích.
Thứ trưởng Lê Quý Vương
Từ đó, nhóm nghiên cứu của UBTP đề nghị Bộ Công an giải trình ý kiến của cử tri liên quan đến tính chính xác của việc áp dụng điểm a, khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167 để xử lý hành vi trên và hướng đề xuất sửa đổi thời gian tới.

Giải trình tại phiên họp, Thượng tướng Lê Quý Vương, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định vụ việc này có dấu hiệu của hành vi dâm ô, tuy nhiên chị V. (nạn nhân-PV) đã 20 tuổi, không thuộc diện điều chỉnh của luật.

 “Trong BLHS năm 1999 có tội “dâm ô đối với người lớn”. Thế nhưng đến BLHS năm 2015 chỉ còn Điều 146 quy định tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi”. Do đó khó cho cơ quan tố tụng”, Thứ trưởng nói.

Đúng quy định nhưng chưa đủ răn đe

Khi sự việc xảy ra, Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng đã chỉ đạo Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng các quy định pháp luật trong BLHS, Nghị định 167 và nội dung làm nhục người khác trong Bộ luật Lao động.

“Về xử lý hành chính, toàn bộ Chương 2, Nghị định 167 chỉ nói phạt cảnh cáo và phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng đối với một trong các hành vi. Mà tôi xem hết thì chỉ có hành vi ở điểm a là “có cử chỉ, lời nói khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác…” và điểm e là “xâm phạm hoặc thuê người khác xâm phạm đến thân thể người khác” là phù hợp” – Thứ trưởng lý giải, đồng thời cho biết Bộ Công an cũng nhận thấy chế tài xử phạt như vậy là chưa đủ sức răn đe và tới đây sẽ đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Toàn cảnh phiên họp
Ngoài việc thông tin về một số vụ việc cụ thể mà dư luận quan tâm, Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng chỉ rõ một số bất cập trong công tác phòng ngừa, xử lý tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Thứ trưởng cho rằng, trong công tác phòng ngừa loại tội phạm này còn nhiều cái chưa đạt được. Về mặt lý luận, trong công tác phòng ngừa phải kết hợp cả phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ. Phòng ngừa xã hội nêu ra trách nhiệm chung của xã hội, của gia đình, của nhà trường đối với trẻ em ra sao.

Cần quy định cụ thể về hành vi dâm ô trong luật

Về phòng ngừa nghiệp vụ lực lượng Công an sẽ cố gắng, tuy nhiên lực lượng Công an cũng có quy định những đối tượng nào thì thuộc diện phòng ngừa nghiệp vụ. “Ví dụ đối tượng là đảng viên về hưu, ngoài 70 tuổi có hành vi dâm ô trẻ em hay như ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng VKSND TP. Đà Nẵng thì không thuộc đối tượng phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng Công an. Do đó ngoài phòng ngừa còn có vấn đề giáo dục đạo đức xã hội”, Thứ trưởng đề cập.

Xung quanh những lỗ hổng về mặt pháp luật, Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị tới đây cần phải làm rõ và quy định cụ thể về hành vi dâm ô, “hành vi quan hệ tình dục khác”, hay quấy rối tình dục…

“Chúng tôi đọc luật của Nhật Bản thì quy định rất rõ, hành vi sờ soạng lên thân thể người chưa đủ 13 tuổi trở xuống bị coi là hành vi dâm ô đối với trẻ em, hình phạt là 6 tháng đến 10 năm tù” – Thứ trưởng nói, đồng thời đề xuất nếu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 cho phù hợp.



Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng chỉ ra một nguyên nhân gây ra hành vi xâm hại, sàm sỡ trẻ em là các đối tượng đều sử dụng rượu bia. Do đó tới đây khi làm Luật phòng, chống tác hại của rượu bia thì cũng phải lưu ý vấn đề này…

Nguồn: vnexpress.net

Không có nhận xét nào